Quỹ phát triển đất có vai trò tích cực trong tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn tài chính quan trọng
Lùi thời điểm thông qua từ Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV sang kỳ họp gần nhất (dự kiến vào Kỳ họp bất thường lần thứ năm, giữa tháng 1/2024), Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo) đang được gấp rút hoàn thiện.
Tại Dự thảo Báo cáo ngày 28/12/2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của Dự thảo được gửi kèm Công văn số 718/UBTVQH15-KT ngày 26/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một số nội dung, trong đó có Quỹ phát triển đất.
Đây là vấn đề còn có quan điểm khác nhau, nên Dự thảo trình Quốc hội thảo luận vẫn để 2 phương án và ý kiến đại biểu vẫn tiếp tục khác nhau. Sau đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi) tiếp tục trình 2 phương án tại Dự thảo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp giữa 2 đợt họp của Kỳ họp thứ sáu.
Phương án 1 là bỏ điều quy định về Quỹ phát triển đất, nghiên cứu theo hướng ghép chức năng, nhiệm vụ của Quỹ vào Tổ chức phát triển quỹ đất.
Lập luận của phương án này là, Quỹ phát triển đất chỉ là trung gian tiếp nhận nguồn lực từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo lập quỹ đất của Tổ chức phát triển quỹ đất. Dự thảo đang quy định Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính ngoài ngân sách có nhiều nội dung khác so với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.
Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc Dự thảo dự kiến sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước sẽ tạo tiền lệ làm sai lệch nguyên tắc quản lý của ngân sách nhà nước đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Còn phương án 2 là giữ lại điều về Quỹ phát triển đất, như ý kiến của Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 598/BC-CP.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lý do của phương án 1 là “chính đáng quá”, vì thế, không quy định riêng Quỹ phát triển đất tại Dự thảo.
Chủ tịch Quốc hội cũng nói rõ, nếu Chính phủ không đồng ý, thì báo cáo rõ quan điểm của cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ để Quốc hội quyết định.
Tại Dự thảo Báo cáo ngày 28/12/2023, Chính phủ vẫn kiên trì quan điểm cần giữ lại quy định về Quỹ phát triển đất.
Bởi vì, Quỹ phát triển đất không phải là một chính sách mới, mà đã được quy định từ Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, Quỹ phát triển đất có chức năng nhận vốn từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và huy động các nguồn khác theo quy định để ứng vốn và chi hỗ trợ trong lĩnh vực bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chính phủ đánh giá, thực tế thời gian qua, Quỹ phát triển đất là nguồn tài chính quan trọng để Nhà nước chủ động thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, xây dựng các khu tái định cư, phát triển quỹ đất để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo việc tiếp cận đất đai kịp thời, minh bạch, khách quan, hạn chế tiêu cực và tăng thu ngân sách.
Theo Chính phủ, nếu bỏ Quỹ phát triển đất, các dự án đầu tư phát triển quỹ đất do Tổ chức phát triển quỹ đất đề xuất phải chờ bố trí vốn theo kế hoạch bố trí vốn của pháp luật về đầu tư công, sẽ dẫn đến thiếu linh hoạt, chủ động trong việc tạo quỹ đất, xây dựng các khu tái định cư, các dự án sẽ phải kéo dài trong khâu giải phóng mặt bằng, làm chậm tiến độ trong giải ngân vốn đầu tư công, không khả thi trong việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Như vậy là chưa thể chế đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 18-NQ/TW về “thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất”, “hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”.
Mặt khác, việc tiếp tục quy định về Quỹ phát triển đất nhằm đảm bảo kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013 đã dành một điều quy định về Quỹ phát triển đất (Điều 111) đã ổn định và phát huy tác dụng, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ sáu (đã có 3 điều đề cập Quỹ phát triển đất, gồm các điều: 63, 113 và 115).
Sửa Luật Ngân sách nhằm đảm bảo nguồn vốn cho Quỹ
Với các quan điểm như trên, Chính phủ đề nghị giữ Điều 114 quy định về Quỹ phát triển đất.
Theo đó, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, do UBND cấp tỉnh thành lập để tiếp nhận và ứng vốn phục vụ các nhiệm vụ thuộc chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất quy định tại Luật Đất đai, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Nguồn tài chính của Quỹ được phân bổ từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật. Cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Quỹ do Chính phủ quy định.
Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị giữ điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước (đã được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ năm) nhằm đảm bảo nguồn vốn cho Quỹ hoạt động từ nguồn ngân sách nhà nước.
Việc này còn nhằm có cơ chế để Quỹ bảo toàn vốn đối với trường hợp đã ứng vốn cho Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, do Luật Ngân sách nhà nước hiện hành quy định không hỗ trợ ngân sách cho các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật khi bổ sung Điều 114 về Quỹ phát triển đất, theo giải thích của Chính phủ.
Từ quan điểm trên, đề nghị của Chính phủ là bổ sung quy định ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trừ Quỹ phát triển đất theo quy định của Luật Đất đai. Đối với tiền sử dụng đất thu từ các dự án phát triển quỹ đất do Tổ chức phát triển quỹ đất tạo lập, thì phải khấu trừ chi phí đã ứng vốn từ Quỹ phát triển đất.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 27/12/2023, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì cuộc làm việc nhằm tiếp tục tham vấn ý kiến các chuyên gia, đại diện một số tổ chức, UBND một số tỉnh, thành phố để có thêm thông tin hoàn thiện các quy định về tổ chức phát triển quỹ đất, dự án tạo quỹ đất do Nhà nước đầu tư.
Như vậy, có thể thấy, những “phút bù giờ” đã được tranh thủ tối đa để Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đạt chất lượng cao nhất khi trình lại Quốc hội.
Tại Dự thảo Báo cáo ngày 28/12/2023, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu các ý kiến góp ý, đề xuất của Chính phủ để phối hợp hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ năm (tháng 1/2024).
Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết tổ chức thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) để hướng dẫn triển khai thực hiện đồng bộ một số chính sách trên toàn quốc, như điều chỉnh bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 để áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/1/2025 song song với chuẩn bị bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai (sửa đổi); thực hiện giao đất đồng thời với giao khu vực biển để thực hiện các dự án có hoạt động lấn biển; triển khai thí điểm tách việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập…
Phương án Chính phủ đề xuất là phù hợp
- Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Theo tôi, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên giữ quy định về Quỹ phát triển đất như phương án Chính phủ đề xuất. Trên thực tế, Quỹ phát triển đất đang hoạt động theo Quyết định số 40/2010/QĐ/TTg ngày 12/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, có vai trò tích cực trong tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc sửa một số quy định của Luật Ngân sách Nhà nước để Quỹ phát triển đất có thể vận hành hiệu quả hơn khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành cũng là cần thiết, với lý do như Chính phủ đã phân tích.