Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, thanh khoản kém, nguồn hàng ít, hàng ngàn công ty bất động sản (BĐS) đóng cửa, hàng chục ngàn nhân viên môi giới buộc phải bỏ nghề. Những công ty môi giới có năng lực thực sự vẫn đang tìm cách xoay xở vượt khó, nuôi quân chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trở lại khi thị trường phục hồi.
Chấp nhận lỗ kinh phí, giữ lực lượng
Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty CP BĐS Asian Holding, cho biết từ cuối năm 2022 đến nay, nhân sự của công ty giảm khoảng 30% nhưng chủ yếu là tự nghỉ việc chuyển sang việc mới.
“Với nhân sự còn lại, công ty vẫn tiếp tục tìm nguồn hàng mới lẫn những nguồn hàng tồn kho để anh em bán hàng. Thị trường đúng là căng thẳng, cực kỳ khó khăn nhưng vẫn có giao dịch, vẫn có cơ hội nên các nhân viên bán hàng nỗ lực bám trụ vẫn tìm kiếm được khách hàng đầu tư” - ông Hậu nói.
Tuy nhiên, theo ông Hậu dự đoán thì thị trường BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn, chưa thể phục hồi nhanh khi các vướng mắc pháp lý, dòng vốn chưa được tháo gỡ. Công ty đã chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh, chấp nhận lỗ sáu tháng, thậm chí một năm nuôi quân, chuẩn bị tốt lực lượng để khi thị trường phục hồi, có nguồn hàng mới thì sẵn sàng bán hàng ngay.
“Hiện nay, công ty tập trung củng cố lại đội ngũ, cố gắng đào tạo năng lực môi giới chuyên nghiệp hơn. Công ty cũng sẵn sàng tìm kiếm những dự án nhỏ và vừa, giá tốt để tiến hành M&A, chuẩn bị nguồn hàng cho kế hoạch năm 2024” - ông Hậu hé lộ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS, cho biết hiện nay sàn chuyển qua môi giới BĐS cho thuê vì các BĐS nhà ở, đầu tư đều giao dịch chững lại.
“Lượng nhân viên giảm 70%, hiện công ty cố gắng duy trì để giữ các khách hàng tiềm năng, mối ruột. Công ty cũng hợp tác thêm với các công ty cho thuê văn phòng, nhà xưởng… để có thêm hoạt động” - ông Dũng nói.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), thông tin theo thống kê của VARS, giai đoạn 2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp (DN) BĐS phải đóng cửa, rất nhiều công trường, dự án ngừng hoạt động, DN mới xuất hiện không đáng kể. Trong phạm vi một phân khúc đã có khoảng 10.000 nhân viên môi giới phải nghỉ việc hoặc chuyển sang việc khác kiếm sống.
Lực lượng môi giới chuyên nghiệp sẽ đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của ngành bất động sản. Ảnh minh họa: Q.HUY |
Tuy nhiên, số đông môi giới bỏ cuộc thường là nhân sự mới, chưa gắn bó lâu năm với nghề. Những công ty môi giới phải đóng cửa vì không nắm bắt, dự đoán được biến cố, xu thế của thị trường, không đủ năng lực về tài chính lẫn kế hoạch kinh doanh.
“Các DN không nên sa thải ồ ạt nhân viên vì khi thị trường phục hồi, việc xây dựng và vận hành lại bộ máy sẽ rất khó khăn. Qua giai đoạn nút thắt này, những môi giới “sống sót” được sẽ là người chiến thắng. Đồng thời, thị trường sẽ chọn lọc những DN đầu tư và đơn vị môi giới có cơ chế vận hành hiệu quả, tiềm lực tài chính mạnh và khả năng thích ứng nhanh, qua đó phát triển bền vững hơn” - ông Đính nói.
Môi giới cần chuyên nghiệp hơn
Chủ tịch VARS cho biết trong thời gian này những người làm nghề môi giới BĐS muốn gắn bó lâu dài với nghề cần bổ sung thêm kiến thức và hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp của mình.
Còn các sàn giao dịch, công ty môi giới, theo ông Đính thì nên tận dụng thời gian để tập trung đào tạo lại đội ngũ nhân sự. Đây sẽ là một sự chuẩn bị tốt để khi thị trường phục hồi, các công ty sẽ có một lực lượng nhân viên môi giới làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiệu quả.
“Môi giới cần phải có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn để trở thành môi giới chuyên nghiệp, có văn hóa chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam” - ông Đính nói.
Góp ý thêm, ông Đỗ Hoàng Dương, chuyên gia BĐS, cho rằng về lâu dài thì mỗi môi giới phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, chứng chỉ cần được mã hóa, số hóa dưới hình thức thẻ hành nghề giống như luật sư, kiểm toán viên... Người có thẻ sẽ là người giao dịch cuối cùng, xác nhận thông tin cần thiết tư vấn cho khách hàng; mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi giao dịch xảy ra vấn đề.
“Để hướng đến dịch vụ môi giới BĐS chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS phải có các quy định xử phạt và cần quy hoạch lại hoạt động môi giới BĐS. Nhà nước kiểm soát chặt chẽ với các quy định rõ ràng, minh bạch trong việc cấp thẻ hành nghề môi giới và đăng ký kinh doanh. Cạnh đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới, có chế tài, xử lý vi phạm mạnh hơn đối với hành vi môi giới khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc vi phạm, lừa dối khách hàng” - ông Dương góp ý.
Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, mặc dù lực lượng tham gia rất hùng hậu với trên 300.000 người nhưng những người môi giới BĐS thực sự qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ có khoảng 30.000 người, nghĩa là chỉ bằng 1/10 con số thống kê, chiếm khoảng 10%. Song đó chỉ là con số thống kê người hành nghề môi giới BĐS tại các sàn giao dịch, còn thực tế môi giới tự phát (hay còn gọi là cò đất) thì không thể thống kê hết được.