Nhóm vốn hoá lớn đều phân hoá dẫn đến thị trường chỉ lình xình, cùng với sự thâm hụt thanh khoản đã đẩy VN-Index về lại sắc đỏ, chưa có nhóm ngành nổi bật dẫn dắt.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/3, VN-Index giảm đến 2,94 điểm, tương đương 0,28% xuống 1.037,61 điểm. Toàn sàn chỉ có 156 mã tăng, còn lại 235 mã giảm, 62 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,69 điểm, tương đương 0,33% xuống 206,14 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 82 mã giảm và 72 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,36 điểm về 76,28 điểm.
Thanh khoản vẫn còn quá ít so với những phiên trước đây của thị trường. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 7.187 tỷ đồng, giảm gần 24% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 23% về 6.362 tỷ đồng. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 2.318 tỷ đồng.
Khả năng chỉ số sẽ dao động trong phạm vi hẹp
Chứng khoán BOS: VN-Index giảm nhẹ gần 3 điểm, chỉ trừ có nhóm cổ phiếu Điện có mức tăng ấn tượng. Về kỹ thuật, VN-Index giảm điểm nhẹ và đóng cửa với cây nến dạng Doji cho thấy thị trường đang tỏ ra rất thận trọng. Bóng dưới nến phản ứng với hỗ trợ của MA5 báo hiệu khả năng chỉ số sẽ dao động trong phạm vi hẹp giữa MA5 và MA10, tức vùng 1.030-1.048 trong một vài phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị duy trì tỉ trọng cổ phiếu thấp.
Chỉ số sẽ khó lòng chạm đến và vượt vùng đỉnh cũ
Chứng khoán TVSI: VN-Index kết phiên với cây nến Doji điều chỉnh giảm điểm nhẹ với thanh khoản thấp sau phiên phục hồi mạnh ngày hôm qua cho thấy đà phục hồi dự báo vẫn có thể tiếp diễn. Tuy nhiên, TVSI vẫn cho rằng đây là nhịp hồi phục để hạ tỉ trọng cổ phiếu ngắn hạn cho các nhà đầu tư vẫn đang cầm nhiều hàng ở vùng giá cao.
Kháng cự của nhịp hồi phục này tại 2 vùng giá trị đáng chú ý là vùng 1.050 – 1.055 điểm và xa hơn là vùng 1.072 – 1.083 điểm. TVSI vẫn dự báo trong tháng 3 này chỉ số sẽ khó lòng chạm đến và vượt vùng đỉnh cũ đã xác lập trước đó
Xu hướng ngắn hạn của chỉ số vẫn là giảm điểm khi đã xuất hiện đỉnh sau và đáy sau thấp hơn đáy trước. Nhà đầu tư hiện tại không nên mua mới và nên canh hạ tỉ trọng cổ phiếu ngắn hạn khi đang diễn ra nhịp hồi phục. Trạng thái thị trường hiện tại chỉ thay đổi nếu VN-Index đóng cửa tuần nào đó cao hơn mốc 1.095 điểm.
Có thể tiến về vùng cản quanh 1.050 điểm
Chứng khoán TPS: Việc tiến gần vùng kháng cự quanh mức 1.050 điểm (có sự hiện diện của đường SMA 50 ngày và SMA 20 ngày) đã khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn ở cả phe bán và phe mua.
Cùng với đó, việc thanh khoản rơi về về mức thấp nhất trong năm 2023 cũng thể hiện rõ tâm lý phân vân từ phía nhà đầu tư. Hiện tại, chỉ số đang ở vùng giá được xem là “lưỡng lự” khi có thể tiến về vùng cản quanh 1.050 điểm hoặc chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 1.020 điểm một lần nữa. Do đó, cần quan sát biến động của xu hướng thị trường và hạn chế vị thế mua mới trong giai đoạn này.
Cơ hội để chỉ số phục hồi trở lại là vẫn còn
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN Index có phiên giảm trở lại. Khối lượng giao dịch sụt giảm và duy trì dưới mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền tham gia thị trường vẫn thận trọng. Không những vậy, đường MA20 đang hướng xuống và chỉ số vẫn chịu áp lực của đường MA này, cho thấy xu hướng chính trong ngắn hạn vẫn là giảm điểm.
Mặc dù vậy, chỉ số thể hiện tín hiệu cân bằng với nến giảm Doji và vẫn giữ được đóng cửa trên MA5 và 100, cho thấy đà hồi phục khởi động từ phiên 1/3 có thể vẫn chưa kết thúc. Do đó, cơ hội để chỉ số phục hồi trở lại là vẫn còn, với kháng cự mục tiêu quanh vùng 1.055 điểm (MA20).
Nhìn chung, thị trường vẫn giữ được nhịp hồi kỹ thuật T+ sau phiên rung lắc nhẹ 2/3. Do đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc thực hiện các vị thế lướt sóng nhanh với tỉ trọng nhỏ.