Sau cuộc hội đàm giữa ông Alexander Lukashenko và ông Tập Cận Bình, hai nước đã phát tuyên bố chung ngày 2-3 kêu gọi hòa bình "sớm nhất có thể" ở Ukraine.
Tuy nhiên, việc một nước là đồng minh và một nước là đối tác thân thiết của Nga củng cố quan hệ lúc này lại khiến phương Tây thêm lo ngại.
Tình bạn "không thể chia cắt"
Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy thêm "quan hệ chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh" được nâng cấp từ tháng 9-2022, mà trước đó Bắc Kinh chỉ có với Pakistan.
Ông Tập gọi tình bạn của Trung Quốc với Belarus là "không thể chia cắt" trong khi ông Lukashenko khẳng định Minsk là người bạn "hòa bình" của Bắc Kinh ở Trung Âu.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói muốn tăng cường lòng tin và hợp tác với Belarus "do tình hình quốc tế bất ổn và hỗn loạn" khi hai nước ký một loạt hợp tác từ thương mại, công nghệ đến quốc phòng.
Hai bên đều bày tỏ "quan ngại sâu sắc về diễn biến của cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu và hết sức quan tâm đến việc thiết lập hòa bình sớm nhất có thể ở Ukraine", theo Hãng thông tấn nhà nước Belta của Belarus.
"Belarus và Trung Quốc quan tâm đến việc ngăn chặn leo thang khủng hoảng và sẵn sàng nỗ lực để khôi phục hòa bình và trật tự khu vực", tuyên bố viết.
Ông Lukashenko tuyên bố hoàn toàn ủng hộ kế hoạch hòa bình của Trung Quốc nhằm ngăn xung đột ở Ukraine biến thành một cuộc "đối đấu toàn cầu".
Nói về lập trường của Bắc Kinh, ông Tập cho rằng "các nước liên quan nên ngừng chính trị hóa, công cụ hóa nền kinh tế thế giới, và thực sự làm những việc như hỗ trợ ngừng bắn, dừng chiến tranh và giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình".
Tuy nhiên, phương Tây lại "giải mã" các tín hiệu từ cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc - Belarus theo một nghĩa khác, cho rằng nó cho thấy Bắc Kinh đang nghiêng về Matxcơva.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng "Trung Quốc hiện đang hợp tác với ông Lukashenko, người trên thực tế đã nhường lại chủ quyền của mình cho Nga, chỉ là một yếu tố khác trong sự cam kết ngày càng sâu sắc của Trung Quốc với Nga".
Lo ngại của phương Tây
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Lukashenko diễn ra trong bối cảnh quan hệ của cả Minsk lẫn Trung Quốc với Mỹ và phương Tây đều đi xuống thời gian qua.
Đối với Minsk, tăng cường hợp tác với Trung Quốc cũng là cách giúp họ giảm bớt áp lực kinh tế bởi các lệnh trừng phạt áp với họ liên quan chiến sự tại Ukraine.
Belarus là đồng minh từng giúp Nga trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt. Phương Tây lo ngại Minsk có thể mở ra mặt trận mới từ biên giới nước này, trong khi Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối lên án Matxcơva.
Mới đây Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc có kế hoạch cấp vũ khí cho Nga, song Bắc Kinh đã phản bác và tố ngược Washington mới là bên đổ vũ khí vào xung đột.
Điều giới quan sát lo ngại là việc nâng cấp quan hệ của Trung Quốc và Belarus có thể dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước về quân sự, công nghệ, và điều đó có thể tác động đến chiến sự ở Ukraine.
Belarus hiện hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị quân sự, như phát triển hệ thống pháo Polonez.
Kênh Fox News dẫn bình luận của cựu quan chức cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ Rebekah Koffler cho rằng sự hợp tác Trung Quốc - Belarus thậm chí có thể mở đường cho việc Bắc Kinh chuyển vũ khí, đạn dược cho Matxcơva thông qua Minsk.
Mỹ vận động các nước Liên Xô cũ
Trong khi ông Lukashenko ở Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng đến các nước Trung Á để phát đi thông điệp của ông là cảnh báo chiến tranh đang ở "cửa ngõ khu vực".
"Xét cho cùng, nếu một nước mạnh sẵn sàng cố gắng xóa sổ biên giới của một quốc gia láng giềng có chủ quyền bằng vũ lực, thì điều gì sẽ ngăn cản quốc gia đó làm điều tương tự với những nước khác?
Các quốc gia trên khắp Trung Á hiểu điều này", Đài BBC dẫn lời ông Blinken nói tại Uzbekistan.
Cả năm quốc gia Trung Á đều từng là thành viên của Liên Xô cũ và có quan hệ thương mại với Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, các nước này đến nay vẫn giữ lập trường trung lập với cuộc chiến ở Ukraine.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko kêu gọi đạt được thỏa thuận hòa bình "sớm nhất có thể" cho Ukraine tại cuộc đàm phán ở Bắc Kinh ngày 1-3.
Xem thêm: mth.41013947030303202-nihn-cog-iah-id-neyuhc-tom-couq-gnurt-maht-suraleb-gnoht-gnot/nv.ertiout