Thực hiện chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, một Ban Chỉ đạo đã được thành lập để chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị, ban hành năm 2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập (TSTN).
Thanh tra Chính phủ - một trong 890 cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập - ngày 5-10-2022 tiến hành bốc thăm chọn ra 30 cán bộ cấp vụ ở các cơ quan khối Chính phủ, trong lần đầu tiên triển khai quy định xác minh hàng năm tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, theo Luật PCTN 2018. |
Trưởng ban Nội chính Trung ương trực tiếp chỉ đạo
Ban Chỉ đạo có 10 thành viên, gồm đại diện Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam – do Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc làm trưởng ban.
Kế hoạch kiểm tra sau đó cũng đã được ban hành. Theo đó sẽ đánh giá toàn diện việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai TSTN; quản lý bản kê khai; xây dựng cơ sở dữ liệu; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; việc luật hóa các nội dung về minh bạch TSTN theo Công ước LHQ về chống tham nhũng.
Việc tổng kết cũng sẽ đánh giá công tác triển khai các giải pháp, các quy định nêu trên, qua đó chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp khắc phục, các đề xuất, kiến nghị…
Chỉ thị 33-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành năm 2014 khi Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN vừa được tổ chức lại theo mô hình trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Thời điểm ấy, quy định của Đảng và pháp luật về kê khai tài sản mới chủ yếu ở mức kêu gọi sự tự giác; chủ yếu chỉ xác minh khi có tố cáo về việc không trung thực trong kê khai.
Vậy nên ngoài việc tăng cường thực hiện tốt các quy định hiện hành, Chỉ thị 33 cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về kê khai, kiểm soát việc kê khai, quản lý bản kê khai; đặt ra yêu cầu xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; luật hóa các nội dung về minh bạch TSTN theo yêu cầu của Công ước LHQ về chống tham nhũng…
890 cơ quan kiểm soát gần 1,3 triệu người kê khai tài sản
Chuyển động chính sách
Quá trình triển khai Chỉ thị 33 sau đó, Đảng đã đi đến những nhận thức mới, yêu cầu mới, cao hơn về công tác kê khai tài sản.
Điểm đáng chú ý là năm 2017, Bộ Chính trị đã lần đầu tiên ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Tập trung vào số cán bộ cao cấp, Quy định số 85-QĐ/TW này quy định rõ chủ thể kiểm tra việc kê khai tài sản là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Chủ thể giám sát thì rộng hơn, gồm cả chi bộ nơi cán bộ công tác.
Tuy nhiên, căn cứ kiểm tra, giám sát lúc ấy vẫn chỉ trong 3 trường hợp: (1) Khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; (2) Khi có kiến nghị, phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc kê khai không trung thực; (3) Khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về kê khai tài sản.
Cũng trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị 33/2014 thì việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN 2005 cũng được đặt ra. Và đến năm 2018, Luật PCTN mới được ban hành, mở ra đột phá về mặt pháp luật trong kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn. Điểm nhấn là hình thành cơ chế xác minh TSTN bắt buộc hàng năm và cho phép coi bản kê khai TSTN theo Luật PCTN 2018 là kê khai lần đầu. Tức về mặt pháp lý, không đặt ra việc truy nguyên nguồn gốc với tài sản tăng thêm so với kê khai trước đó.
Tuy nhiên, công tác kê khai TSTN theo Luật 2018 đã không thể triển khai ngay sau khi luật này có hiệu lực, tháng 7-2019. Vì phải tới tháng 10-2020, Chính phủ mới ban hành Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát TSTN, với biểu mẫu kê khai kèm theo.
Cũng như vậy, giải pháp xác minh tài sản hàng năm cũng phải tới cuối năm 2022 vừa mới bắt đầu được triển khai. Lý do là có sự đan xen giữa quy định của Luật PCTN về thẩm quyền kiểm soát TSTN với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng, mà phải tới tháng 2-2022, Bộ Chính trị ban hành Quyết định 56-QĐ/TW về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN thì mới làm rõ được.
Tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác kiểm soát TSTN mà cụ thể là xác minh TSTN theo Luật PCTN và Quy chế 56, với hơn 890 đầu mối cơ quan kiểm soát TSTN, chắc chắn sẽ bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Vậy nên hi vọng việc tổng kết Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị sẽ giúp làm rõ, tháo gỡ, để việc kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn – một giải pháp quan trọng để phòng, chống tham nhũng - thực sự phát huy hiệu quả.