Mới đây Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã phát hành Sách Trắng 2022 - 2023. Ở chương Sản phẩm dinh dưỡng và Sữa công thức cuốn sách này đã đề cập đến việc Bộ Tài chính nghiên cứu áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với các đồ uống có đường.
Bánh chưng, bánh gai...phải ghi nhãn dinh dưỡng
EuroCham cho biết dự thảo thông tư ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm của Bộ Y tế có nhiều điểm bất cập.
Cụ thể, dự thảo thông tư bắt buộc ghi nhãn dinh dưỡng theo khối lượng và theo phần trăm giá trị dinh dưỡng tham chiếu. Mâu thuẫn với hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng của Codex và đa số các nước chỉ yêu cầu ghi theo khối lượng.
Dự thảo bắt buộc ghi 7 chất cho tất cả các thực phẩm, không dựa theo quản lý rủi ro trong khi Malaysia, Singapore chỉ yêu cầu 4, Nhật Bản yêu cầu 5 chất.
Đáng chú ý dự thảo thông tư yêu cầu các thực phẩm sản xuất thủ công như bánh chưng, bánh gai, mật ong bạc hà…cũng phải ghi nhãn dinh dưỡng.
Như vậy, các hộ sản xuất thủ công khó thực hiện được yêu cầu này. Quy định này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình OCOP-mỗi xã một sản phẩm của Chính phủ.
EuroCham khuyến nghị ghi nhãn dinh dưỡng theo khối lượng. Chuyển yêu cầu ghi % giá trị dinh dưỡng tham chiếu từ bắt buộc thành khuyến khích, giống Codex quốc tế.
Điều chỉnh số chỉ tiêu dinh dưỡng cần ghi cho từng loại thực phẩm, áp dụng quản lý rủi ro: Nhóm có nguy cơ cao về chỉ tiêu nào thì cần ghi nhãn chỉ tiêu đó, không cào bằng tất cả nhóm thực phẩm ghi nhãn giống nhau.
Cụ thể, với thực phẩm bao gói sẵn nói chung ghi nhãn 4 chỉ tiêu (năng lượng, chất đạm, chất béo, carbohydrat).
Với thực phẩm chiên rán bao gói sẵn, ví dụ mì ăn liền ghi thêm hàm lượng chất béo bão hòa. Nước mắm chỉ bắt buộc ghi hàm lượng đạm và natri, nước giải khát ghi thêm tổng đường. Miễn ghi nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm bao gói sẵn sản xuất thủ công.
Người tiêu dùng mua bánh chưng tại Lễ hội Tết Xanh quà Việt 2023. Ảnh: TÚ UYÊN |
Cần phân biệt rõ sản phẩm dinh dưỡng với nước giải khát
Cũng theo EuroCham, mục tiêu của thuế TTĐB là để hạn chế tiêu thụ sản phẩm không có lợi cho sức khỏe hay hàng xa xỉ. Tuy nhiên, trong đồ uống có nhiều nhóm sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em, sữa và sản phẩm sữa, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho các đối tượng đặc biệt (như người già, phụ nữ có thai)…
Việc áp thuế TTĐB đối với các sản phẩm có lợi cho sức khỏe sẽ đi ngược lại mục tiêu cải thiện sức khỏe người dân của Chính phủ do làm tăng giá bán các sản phẩm, hạn chế sự tiếp cận của người tiêu dùng.
Đồng thời, đi ngược lại với chính sách bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Chính phủ vì hiện nay sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em dưới 6 tuổi và dược phẩm thuộc đối tượng bình ổn giá của Luật Giá.
EuroCham khuyến nghị không áp thuế TTĐB đối với các đồ uống có đường, đặc biệt là các sản phẩm dùng để cung cấp dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe.
Cần phân biệt rõ các sản phẩm dinh dưỡng với nước giải khát (mục đích chính là để giải khát và được định nghĩa cụ thể trong Tiêu chuẩn Việt nam TCVN 12828:2019) và áp dụng quản lý rủi ro để xây dựng các chính sách phù hợp với từng loại.