vĐồng tin tức tài chính 365

Bác sĩ Ma Thị Cầm dành cả thanh xuân xóa hủ tục ở vùng cao

2023-03-04 11:45
Bác sĩ Ma Thị Cầm, trưởng Trạm y tế xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đã có 25 năm gắn bó với y tế cơ sở ở vùng cao - Ảnh: HÀ THANH

Bác sĩ Ma Thị Cầm, trưởng Trạm y tế xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, đã có 25 năm gắn bó với y tế cơ sở ở vùng cao - Ảnh: HÀ THANH

Dù vẫn còn sót lại những hủ tục cúng ma nhưng so với trước kia đã thay đổi nhiều. Người dân vẫn làm lễ cúng nhưng đồng thời vẫn tìm đến cán bộ y tế nhờ chữa trị.
Bác sĩ Ma Thị Cầm

Ngày ra trường, nữ bác sĩ Ma Thị Cầm lựa chọn quay về công tác ở địa phương. Đến nay, bước sang tuổi 55, bác sĩ trạm trưởng Cầm đã có 25 năm gắn bó với trạm y tế và bà con dân tộc ở xã Đoàn Kết, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Cô gái trẻ "chiến đấu" với hủ tục vùng cao

Những ngày đầu về trạm, cơ sở vật chất và đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn. Căn nhà lụp xụp ba gian là tất cả "cơ ngơi" của trạm y tế để chăm sóc cho hơn 1.000 người dân địa phương. Trong đó, bản làng xa nhất cách trạm đến 16km, do vậy nếu muốn đến được nhà dân, bác sĩ Cầm cùng các cán bộ y tế xã chỉ còn cách đi bộ, có khi mất cả ngày trời mới đến nơi.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, thế nhưng khó khăn hơn cả đối với người thầy thuốc trẻ lúc ấy là phải chiến đấu với những hủ tục của người dân vùng cao. Bà Cầm nhớ ngày ấy nếu bị bệnh thì người dân chỉ tìm đến thầy cúng, thầy mo để "giải bệnh".

Bà nhớ trường hợp bệnh nhân hơn 40 tuổi sống cách trạm y tế chừng 10km. Bỗng dưng cơ thể mệt mỏi, suy nhược không thể làm việc, gia đình nghĩ người này bị "ma làm" nên đã mời thầy mo về nhà làm lễ cúng bái.

"Nhưng làm lễ đến ba lần mà bệnh tình không thuyên giảm, trái lại sức khỏe càng suy kiệt hơn. Đến lúc này, người nhà mới đến trạm mời cán bộ y tế xuống thăm khám. Mang theo thuốc, dụng cụ y tế chữa cho bệnh nhân, xuống đến nơi, tôi chẩn đoán người bệnh bị cảm lâu ngày. Sau khi được thăm khám, được uống thuốc, tình trạng người bệnh thuyên giảm" - bà Cầm hồi tưởng.

Từ ngày đó, người dân bắt đầu tin tưởng nữ trưởng trạm y tế, từng ngày thay đổi nhận thức về khám chữa bệnh. Thay vì tìm đến thầy cúng, thầy mo thì giờ người dân đến trạm y tế chữa bệnh.

"Quả ngọt" của cô Cầm

Nhưng "thành tích" đáng nhắc đến của Trạm y tế xã Đoàn Kết chính là nỗ lực để xóa bỏ quan niệm lạc hậu về căn bệnh phong.

Ngày về trạm công tác, bác sĩ Cầm thấy một khu rừng rậm rạp, trong khi đồi núi xung quanh lại được phát rẫy canh tác. Có người ghé tai nói: "Cô đi rừng, không được vào chỗ nương kia. Chỗ đó đốt người bệnh hủi, cô vào là "hủi nhập" đấy".

Ở địa phương, bà con gọi những người mắc bệnh phong là "bị hủi", ai bị bệnh đều được đưa vào rừng ở một mình, thậm chí còn đào sẵn hố sâu để khi người bệnh chết thì sẽ chôn họ vào đó.

Nghe câu chuyện kể, nữ trạm trưởng quyết tâm cùng với cán bộ y tế xã tuyên truyền, vận động dân làng xóa bỏ hủ tục, quan niệm lạc hậu, không kỳ thị người bệnh.

Năm 2011, ông Lý Văn Chi (58 tuổi, xã Đoàn Kết) phát hiện bị mắc bệnh phong. Khác với bệnh nhân phong có triệu chứng điển hình, ông lại nổi u cục khắp người và có cảm giác đau, ngứa. Nếu trước kia sẽ phải vào rừng cách ly thì nay nhờ trạm trưởng Cầm tuyên truyền nên ông Chi vẫn được dân làng quan tâm hỏi han và người thân tận tình chăm sóc.

"Bị bệnh, mình lo chứ, nhưng được cán bộ y tế tuyên truyền về bệnh nên mình cũng an tâm hơn" - ông Chi nói.

Đến thăm ông Chi, nữ trạm trưởng mang theo vài vỉ thuốc bổ, máy đo huyết áp để thăm khám định kỳ. Bác sĩ Cầm kiểm tra những vết sẹo do khối u để lại trên tay, chân, lưng ông Chi rồi hồ hởi nói: "Anh vẫn ổn đấy, không có biểu hiện gì nữa nhưng vẫn phải thăm khám định kỳ nhé. Nếu có biểu hiện tái phát thì kịp thời điều trị luôn, còn như thế này là yên tâm rồi".

Bên căn nhà sàn của ông Chi, nữ trạm trưởng kể lại, ngày ấy bà thường xuyên vào thăm gia đình ông, thậm chí cán bộ y tế còn ở lại ăn cơm, uống nước, bắt tay, trò chuyện với bệnh nhân.

Nhờ đó, bà con dân làng nhận ra "nếu cán bộ y tế còn bắt tay, trò chuyện với người bệnh thì bệnh này không dễ lây đâu". Vậy là họ cũng đến nhà ông Chi hỏi thăm, động viên ông cố gắng để chữa khỏi bệnh.

Ông Bế Văn Khánh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định, cùng trạm trưởng Ma Thị Cầm đến nhà thăm bệnh nhân Lý Văn Chi (đứng giữa, trước kia bị bệnh phong) - Ảnh: HÀ THANH

Ông Bế Văn Khánh, giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định, cùng trạm trưởng Ma Thị Cầm đến nhà thăm bệnh nhân Lý Văn Chi (đứng giữa, trước kia bị bệnh phong) - Ảnh: HÀ THANH

Thay đổi từng ngày

Từ cô gái trẻ - người thầy thuốc đầy nhiệt huyết, nay ở tuổi lớn hơn, bà Cầm bộc bạch từ lúc chỉ là căn nhà ba gian, năm 2019 Trạm y tế xã Đoàn Kết được cải tạo khang trang thành căn nhà hai tầng với đủ các phòng và trang thiết bị khám chữa bệnh, đường sá đi lại cũng thuận lợi hơn, nhờ đó tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

Sống cạnh bên trạm y tế, ông Nông Minh Thái (63 tuổi) được trạm trưởng Cầm đặt cho cái tên "bệnh nhân VIP". "VIP" là vì ông thường xuyên được cán bộ y tế xã thăm khám, hễ có bệnh là ông Thái lựa chọn đến ngay trạm y tế chứ không "cúng ma, cúng thầy mo nữa".

"Trạm y tế được xây sạch đẹp, đầy đủ các phòng, gia đình nhà tôi không phải đi lên huyện để chữa bệnh nữa. Có trạm y tế, bà con mừng quá" - ông Thái chia sẻ.

Hiện nay, trạm y tế còn được đầu tư các máy siêu âm, bàn đẻ, dụng cụ khám thai. Nhờ đó, các thai phụ không cần phải đi tuyến huyện để siêu âm, theo dõi thai kỳ mà ngay ở trạm cũng làm tốt việc này.

Nụ cười tươi nở trên khuôn mặt, bác sĩ Cầm dí dỏm: "Có "nhà mới", người dân ngày càng tin tưởng y tế cơ sở hơn. Giờ mình nghỉ hưu cũng thấy mãn nguyện rồi".

Suốt 25 năm gắn bó với y tế vùng cao, bà Cầm được bà con xã Đoàn Kết thương mến, có người còn sẵn sàng cho trạm trưởng mượn đất canh tác để trồng nương ngô, đồi quế cải thiện cuộc sống.

"Dù sau này nghỉ hưu, tôi sẽ vẫn đồng hành với bà con nơi đây bởi "cả thanh xuân" tôi đã gắn bó với từng con đường, từng bản làng và người dân. Điều tôi mong mỏi là làm sao nâng cao chất lượng y tế cơ sở và đội ngũ cán bộ y tế để người dân có bệnh sẽ tìm đến ngay bác sĩ chứ không tìm kiếm thầy mo, thầy cúng nữa" - bác sĩ Cầm bộc bạch.

Hiện nay tại huyện Tràng Định có 22 trạm y tế cơ sở xã, thị trấn. Từ năm 2015, các trạm y tế cơ sở được đầu tư và cải tạo, đến nay đã có 19/22 trạm y tế đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Ông Bế Văn Khánh - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tràng Định - cho biết hiện nay các trạm y tế xã ở huyện Tràng Định đã được nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu, giúp nhân dân tiếp cận gần hơn với dịch vụ y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

"Sau hai năm dịch bệnh COVID-19 vất vả với ngành y tế, điều mong mỏi nhất là làm sao cải thiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, nhân viên y tế để anh chị em yên tâm công tác" - ông Khánh bày tỏ.

Nguyễn Thị Trúc Phương mang giấc mơ bóng đá lên vùng caoNguyễn Thị Trúc Phương mang giấc mơ bóng đá lên vùng cao

Xuất phát từ tình yêu trẻ con, niềm đam mê bóng đá... cô gái 25 tuổi Nguyễn Thị Trúc Phương đã trở thành người thắp sáng giấc mơ bóng đá cho hàng ngàn trẻ em vùng cao thông qua quỹ "Gieo ước mơ bóng đá".

Xem thêm: mth.53964659040303202-oac-gnuv-o-cut-uh-aox-naux-hnaht-ac-hnad-mac-iht-am-is-cab/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bác sĩ Ma Thị Cầm dành cả thanh xuân xóa hủ tục ở vùng cao”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools