Chủ động tạo chất liệu mới trong thiết kế
Kỹ thuật nhuộm ombre là kỹ thuật nhuộm loang và chuyển màu thủ công để tạo nên chất liệu mới mang nét riêng trên lụa Việt Nam. Nghệ nhân - nhà thiết kế Trung Đinh là người tiên phong trong sử dụng kỹ thuật này, để thiết kế nên những bộ áo dài độc đáo, gắn liền với tên tuổi của anh.
Trung Đinh kể trước đây mỗi lần ra bộ sưu tập mới anh lại đi lang thang các chợ vải để tìm kiếm chất liệu phù hợp. Tuy nhiên chất liệu anh mong muốn lại không có màu ưng ý.
Vì vậy anh buộc phải đi tìm chất liệu thay thế. Việc này vừa mất thời gian vừa không đạt được hiệu quả như mong muốn. Và anh nghĩ đến việc nhuộm lụa với màu sắc mình cần.
Tuy nhiên vải lụa anh nhuộm khi tiếp xúc với nước lại bị trôi màu. Điều này không khiến anh nản chí mà lại càng quyết tâm tìm hiểu và đúc kết kinh nghiệm.
“Sau hơn một năm ra sức thử nghiệm liên tục với nhiều nước mắt, tôi đã tìm ra được nguyên lý giữ màu trên vải bằng cách tương tác với nhiệt thật nóng (ủi hoặc hấp sẽ giúp hấp thụ màu), giặt sẽ không trôi màu. Những lần trước, tôi khóc vì ấm ức, còn lần này khóc vì mừng và hạnh phúc” - nhà thiết kế Trung Đinh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Kỹ thuật nhuộm lụa ombre giúp cho nhà thiết kế chủ động tạo ra chất liệu mới, với sự chuyển màu từ đậm tới nhạt một cách mềm mại, đậm nhạt chỗ nào là theo ý muốn.
Nhà thiết kế Trung Đinh cho biết thêm: “Đặc tính của nhuộm ombre sẽ tạo được vùng sáng tối, giúp thiết kế nên những bộ trang phục che được khuyết điểm của người mặc. Kỹ thuật nhuộm này sẽ tạo nên hai bề mặt vải giống nhau không phân biệt được mặt trái hay phải. Còn in lên vải sẽ thấy mặt màu trắng bên trong. Đây cũng là cách phân biệt vải”.
Kỹ thuật nhuộm ombre là một trong những giải pháp giúp cho các nhà thiết kế chủ động hơn trong khâu nguyên vật liệu, không bị phụ thuộc vào thị trường.
Giờ đây, ngoài lụa, kỹ thuật nhuộm ombre có thể ứng dụng trên vải nhung, thun gân, để tạo nên chất liệu mới, làm phong phú thêm chất liệu cho thời trang Việt.
Cùng bảo tồn, phát huy làng nghề dệt lụa truyền thống
Với mong muốn bảo tồn, phát huy các làng nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, nhà thiết kế Trung Đinh đã thực hiện dự án dài hơi trong suốt 10 năm qua mang tên Lụa hát trên vai.
Theo đó, anh lấy áo dài làm điểm tựa để thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ dự án nhằm kêu gọi các nhà thiết kế trẻ cùng chung tay tạo nên chất liệu mới, tạo nên dấu ấn cá nhân.
“Theo tìm hiểu, tôi cảm thấy lụa Việt Nam không thể sống trên thị trường trong nước. Hiện nay, các làng lụa chỉ cố gắng duy trì mà không phát triển thêm vì không có đầu ra.
Trong khi đó, lụa Việt Nam cũng không thể cạnh tranh với lụa các nước vì mẫu mã không bằng, giá cả cao. Vậy nên những nhà thiết kế có đủ khả năng và tình yêu dành cho lụa có thể tạo nên chất liệu mới, nét đặc trưng, cũng là góp phần bảo tồn các làng lụa Việt Nam” - nhà thiết kế Trung Đinh nói.
Thời gian qua, anh lan tỏa câu chuyện lụa Việt qua các bộ sưu tập áo dài trong các hoạt động lễ hội để nhiều người biết đến. Anh mong mỏi sẽ có nhiều nhà thiết kế đồng hành cùng mình.
“Tôi mong muốn đưa nhuộm ombre, vẽ tranh lụa, vẽ khăn lụa hoặc vẽ trên áo dài vào trường học thành một môn học chính thống” - nghệ nhân Trung Đinh bộc bạch.
Tối 3-3, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 9 năm 2023 khai mạc tại đường đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM). Chương trình giới thiệu 21 bộ sưu tập áo dài mới của các nhà thiết kế qua phần trình diễn của hàng trăm người mẫu, diễn viên.
Xem thêm: mth.92252533251203202-erbmo-mouhn-tauht-yk-gnab-iom-ueil-tahc-oat-hnid-gnurt/nv.ertiout