Kiến nghị này được đưa ra tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều 4-3.
Học phí tăng, cần có tín dụng sinh viên
Góp ý với lãnh đạo TP.HCM, ông Sử Đình Thành - hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM - cho biết chính sách kích cầu của thành phố là một trong những yếu tố giúp trường có được cơ sở vật chất khang trang như hiện nay. Do đó kiến nghị thành phố duy trì chính sách này để giúp các trường hiện đại hóa cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, thành phố nên có chính sách tín dụng cho sinh viên.
Tương tự, ông Mai Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng trong bối cảnh các trường đại học tự chủ, học phí tăng lên khiến nhiều thí sinh khó vào đại học. Do đó, tín dụng cho sinh viên rất quan trọng và kiến nghị thành phố xem xét đề án tín dụng sinh viên đã gửi UBND TP.HCM.
"Tín dụng sinh viên có hơn chục năm nay vay qua ngân hàng chính sách nhưng điều kiện vay, bảo lãnh, thời gian vay, hỗ trợ lãi suất hiện có nhiều bất cập", ông Phong nói thêm.
Đại diện một số trường đại học khác cũng cho rằng nếu thành phố có chính sách tín dụng cho sinh viên sẽ thu hút được thí sinh giỏi ở nhiều vùng miền đến học tập và làm việc.
Trong khi đó, ông Cao Hào Thi - hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ - cho rằng chính sách tín dụng nên do các bộ, ngành trung ương thực hiện vì thí sinh cả nước về TP.HCM học tập chứ không chỉ có riêng học sinh TP.HCM.
Xem xét chính sách tín dụng cho sinh viên
Hiệu trưởng các trường đại học cũng có một số góp ý khác liên quan đến các vướng mắc hiện nay cũng như vấn đề phát triển giáo dục đại học tại TP.HCM. Các hiệu trưởng đề nghị thành phố xác định các ngành trọng điểm, mũi nhọn trong phát triển kinh tế xã hội và thông tin chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến các trường đại học.
Thành phố cần quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đối ngoại trong giáo dục. Tạo cơ chế mới trong đầu tư giáo dục, quỹ đất giáo dục. Chính sách đối với giáo viên và y tế cần được ưu tiên tầm quốc gia để họ yên tâm đóng góp cho hoạt động đào tạo của mình.
Ghi nhận ý kiến từ các hiệu trưởng, ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM, chủ tịch Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM - cho biết chính sách tín dụng cho sinh viên sẽ được nghiên cứu và phát triển cho hiệu quả. Bên cạnh đó, những vướng mắc và khó khăn của các trường trên địa bàn TP.HCM cũng sẽ được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết trong thẩm quyền của thành phố.
Ông Mãi nhấn mạnh hội đồng là tổ chức liên kết tất cả sức mạnh của các trường đại học trên địa bàn TP.HCM. Do đó, các trường đại học phải phát triển cùng với sự phát triển của TP.HCM.
Trong năm 2022, hội đồng đã kiện toàn lại tổ chức cũng như hội đồng ngành và bắt đầu đóng góp vào các chương trình, mục tiêu của TP.HCM. Tuy nhiên, hội đồng cần phải phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình để đóng góp cho sự phát triển chung của TP.HCM.
Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học thay đổi, bổ sung thành viên
Tại hội nghị, nhiều quyết định của UBND TP.HCM liên quan đến Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học cũng được công bố. Trong đó, bổ sung 14 thành viên vào hội đồng hiệu trưởng, với nhiều thành viên đến từ nhiều sở khác nhau của TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng ký quyết định ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn TP.HCM; quyết định phân công hiệu trưởng các trường làm chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng hiệu trưởng sáu khối ngành:
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM - chủ tịch hội đồng hiệu trưởng khối ngành sư phạm.
Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - chủ tịch khối sức khỏe.
Hiệu trưởng Trường đại học Sài Gòn - chủ tịch khối văn hóa - nghệ thuật - du lịch - xã hội và nhân văn.
Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chủ tịch khối kỹ thuật - công nghệ.
Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM - chủ tịch khối kinh tế.
Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chủ tịch khối chính trị - pháp luật.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại trung bình nhưng vẫn tìm được công việc tốt, thu nhập rất cao. Vậy có cần phải đầu tư học để tốt nghiệp đại học loại xuất sắc?