Đến thời điểm này, cùng với các hội thảo, hội nghị do các bộ, ngành, địa phương tổ chức nhằm triển khai nhiệm vụ thì nhiều người dân đã chọn đóng góp ý kiến theo hình thức văn bản hoặc qua kênh trực tuyến. Thực tế cho thấy, nhiều ý kiến có giá trị đã được ghi nhận.
Tại bộ phận văn thư của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, số lượng văn bản góp ý vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi gửi qua đường bưu điện được tập trung ở đây cho thấy sự quan tâm rất lớn của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… và đặc biệt là nhân dân đến dự thảo luật này.
Còn tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ, một trong những kênh tiếp nhận góp ý của nhân dân vào dự thảo luật đất đai sửa đổi, đến thời điểm này, đã nhận được hơn 2.000 góp ý vào dự thảo luật đất đai sửa đổi. Có góp ý này dài 25 trang do một luật sư ở Bắc Giang gửi đến.
Chị Đỗ Thanh Hoài, Trung tâm Dữ liệu điện tử, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, nói: "Góp ý này rất chi tiết, chia ra nhiều vấn đề: Về thu hồi, đền bù đất, về định giá đất, về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất. Phải nói là tác giả rất am hiểu luật, tỉ mỉ, tâm đắc với việc này. Tại đây, chúng tôi lọc ra những ý kiến xác đáng, có giá trị nhất rồi tổng hợp gửi đến ban soạn thảo luật".
Những ngày qua, cán bộ tại bộ phận này đã làm việc thêm giờ để đảm bảo không bỏ sót góp ý nào của người dân. Từng lỗi chính tả được sửa để góp phần hoàn chỉnh bản tổng hợp gửi đến ban soạn thảo cùng với các thông tin cá nhân của người góp ý để ban soạn thảo có thể liên lạc lại nếu cần.
Ông Nguyễn Hồng Sâm, Tổng Giám đốc Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, cho biết: "Chúng tôi tận dụng tất cả các nền tảng mạng xã hội để thực hiện tiếp nhận góp ý của nhân dân về luật đất đai sửa đổi. Tôi thấy rằng, một hội nghị, hội thảo chỉ có khoảng 20 đến 30 góp ý là nhiều, nhưng qua các nền tảng mạng xã hội trực tuyến, đến thời điểm này chúng tôi tiếp nhận được 1.800 ý kiến góp ý vào luật đất đai sửa đổi có giá trị. Với những góp ý này tôi hy vọng, luật đất đai sửa đổi đúng là luật của ý đảng, lòng dân".
Còn tại TP Hồ Chí Minh, thông qua website, fanpage, thư điện tử, Mặt trận Tổ quốc của thành phố đã thu nhận hàng nghìn lượt ý kiến đóng góp, trong đó, 2/3 góp ý là của người dân, còn lại là từ các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà nghiên cứu. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của người dân đối với 1 dự án luật quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.495051240303202-neyut-curt-hnek-auq-iod-aus-iad-tad-taul-oaht-ud-ohc-y-pog-ueihn/et-hnik/nv.vtv