Ngày 28/02/2023, NHNN chi nhánh Quảng Bình tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng- Doanh nghiệp năm 2023. Tham dự Hội nghị có ông Phan Mạnh Hùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. Về phía ngành Ngân hàng Quảng Bình có Ban Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình và lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn. ông Phan Mạnh Hùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đinh Quang Hiếu, TUV, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo, đến 31/12/2022, tổng dư nợ trên địa bàn đạt 78.798 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hơn 8.500 doanh nghiệp, trong đó gần 2.000 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng với dư nợ 29.787 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng dư nợ. Cho vay 69 doanh nghiệp thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với dư nợ 656 tỷ đồng, chiếm 0,8% tổng dư nợ, chiếm 2,2% dư nợ doanh nghiệp; 695 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp và xây dựng với dư nợ 12.998 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng dư nợ, chiếm 43,6% dư nợ doanh nghiệp; 1.263 doanh nghiệp thuộc ngành thương mại và dịch vụ với dư nợ 16.133 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng dư nợ, chiếm 54,2% dư nợ doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn đã phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đồng thời đưa ra các kiến nghị về việc giảm lãi suất, sửa đổi Nghị định số 31/20222/NĐ-CP để có thể tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước…
Ông Phan Mạnh Hùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp và ngành Ngân hàng Quảng Bình đã đạt được trong năm qua, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo, trong năm 2023, các TCTD trên địa bàn cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn, cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 như Nghị quyết 11 đã đề ra; tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay; đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN.
Cùng ngày, NHNN chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã tổ chức “Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng”. Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo các sở ngành, Trung tâm hỗ trợ DNNVV, các Hiệp hội ngành nghề, đại diện các doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đánh giá cao ngành ngân hàng nói chung, NHNN nói riêng đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định tỷ giá, đây là một điều tốt đối với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chia sẻ một số khó khăn liên quan đến việc tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ; việc tiếp cận vốn đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản và lĩnh vực trồng rừng; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 đã kết thúc nhưng chưa có chính sách mới để thay thế. Các doanh nghiệp mong muốn ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất thấp hơn hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đề nghị ngành ngân hàng sớm triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng. Các ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng Agribank, Vietinbank, BIDV, Sacombank và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận giải đáp thỏa đáng.
Kết luận hội nghị, ông Phạm Văn Trịnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng đối với nền kinh tế; trong đó tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án nhà ở thương mại với giá phù hợp. Kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực động sản, đặc biệt là cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng/nhóm khách hàng lớn, các dự án quy mô lớn, các phân khúc cao cấp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng theo quy định tại Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 10/01/2022 của Quốc hội.
CTTĐT (tổng hợp)
Xem thêm: 734365VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www