Nhiều năm qua các trang phim lậu hoạt động rầm rộ. Nhiều video trên các kênh YouTube, Facebook... chứa nội dung xấu độc, nhưng người tạo ra vẫn sống khỏe, giàu to. Vậy ai đang tài trợ, "nuôi" các trang độc hại?
Nhãn hàng lớn tràn lan trên các kênh độc hại
Vào ngẫu nhiên trang phim lậu subnhanh..., ngay phía trên và dưới màn hình xuất hiện quảng cáo "cổng game thượng lưu nhiều ưu đãi", "sexy girl dành cho bạn 100k" kèm hình ảnh khiêu dâm (điều hướng về trang web chuyên cờ bạc).
Đáng chú ý, khi chọn vào một bộ phim bất kỳ, người xem lập tức bị chuyển tới... sàn thương mại điện tử Shopee.
Trở lại trang, quảng cáo bài bạc tiếp tục hiện ra. Trong quá trình xem phim, người xem tua đến đoạn giữa thì lập tức lại bị chuyển tới sàn Shopee.
Tại trang phimhaymoi..., người xem vừa mở ra là lập tức xuất hiện một quảng cáo "Link nhà cái cập nhật 2023", tiếp đến là quảng cáo của một game online.
Chọn phim, quảng cáo cờ bạc tiếp tục hiện ra, sau đó người xem bị chuyển hướng về trang của sàn thương mại điện tử Lazada. Cứ như vậy, để xem được phim, khán giả phải chấp nhận liên tục xem quảng cáo bài bạc đan xen với việc bị chuyển về sàn của sàn thương mại điện tử.
Hay ở trang motchill..., quảng cáo sản phẩm điều hòa của Panasonic (điều hướng về trang chủ của Panasonic) lại đứng cạnh quảng cáo sòng bạc. Khi vào xem phim, khán giả còn bị "lừa", bấm vào mục "Skip Ad" (bỏ qua quảng cáo) lại bị chuyển tới sàn Shopee.
Hay ở trang phimmoi... liên tục xuất hiện các banner quảng cáo cho hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ CellphoneS. Banner quảng cáo này xuất hiện ở trang chủ và hầu hết trang con, trang chuyên mục của website này.
Cùng với đó còn có banner quảng cáo cho dịch vụ truyền hình Internet FPT Play. Trường hợp các quảng cáo của thương hiệu lớn, đứng cạnh quảng cáo bài bạc, cũng xuất hiện ở nhiều trang phim lậu khác...
Song song đó, quảng cáo của hàng loạt doanh nghiệp lớn cũng xuất hiện ở những video có nội dung độc hại trên YouTube.
Chẳng hạn, vào một video có dàn dựng cảnh hai nhóm trẻ em (ước chừng độ tuổi tiểu học) chia phe, sau đó chửi bậy, cầm thanh gỗ để đánh nhau... Ngay phía dưới video này, người xem có thể thấy quảng cáo của ứng dụng đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay Agoda.
Một video có nội dung tương tự, nhưng đến đoạn giữa lại xuất hiện quảng cáo của một sàn Lazada và hãng dược mỹ phẩm Eucerin Việt Nam.
Cũng trên YouTube, quảng cáo về ứng dụng Agoda còn xuất hiện ngay dưới video Khá Bảnh chửi thề, cầm gậy bóng chày đánh vào mông của một đàn em...
Thậm chí, trong một quảng cáo về trò chơi đánh bài đổi thưởng còn xuất hiện cả logo một ngân hàng của Việt Nam...
Quảng cáo bừa bãi, tác hại khôn lường
Với lợi thế đo được hiệu quả cụ thể bằng các thông số như: lượt người xem, lượt người kích chuột truy cập, lượt người tương tác... quảng cáo online khiến đông đảo doanh nghiệp mạnh dạn đổ tiền.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, việc chỉ cần con số mang tính thành tích (hoặc nhằm đạt yêu cầu được giao, đúng thỏa thuận hợp đồng...) đã khiến nhiều doanh nghiệp hoặc các công ty quảng cáo (agency) quảng cáo bừa bãi trên mọi kênh, trang mạng, bất chấp nội dung xấu độc hay kênh, trang vi phạm pháp luật...
Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử (FPT Polytechnic HCM) phân tích: thông thường các nhãn hàng sẽ có đội ngũ quảng cáo hỗ trợ.
Người làm công tác quảng cáo hoàn toàn có thể thiết lập tính năng chặn, không cho xuất hiện quảng cáo ở những trang độc hại, hay tên miền chuyển hướng từ trang độc hại đến trang nhãn hàng. Tuy nhiên, có thể do tần suất chạy quảng cáo quá nhiều nên việc kiểm soát không tốt.
"Dù vậy, vẫn có khả năng doanh nghiệp không muốn loại trừ, cho quảng cáo một cách bất chấp để tiếp cận được nhiều người nhất có thể, tránh mất đi lượng khách hàng tiềm năng, dẫn đến quảng cáo tràn lan.
Ngoài ra, không loại trừ trường hợp nhà quảng cáo thỏa hiệp với những trang có nội dung xấu độc, giúp chạy đủ chỉ tiêu (KPI) về lượng truy cập. Việc quảng cáo xuất hiện ở những trang độc hại cũng cho thấy thực trạng nhãn hàng đã lơ là trong khâu kiểm duyệt", ông Huy nhận xét.
Trong khi đó, theo chuyên gia truyền thông Dy Khoa, khi một thương hiệu của Việt Nam hoặc phổ biến tại Việt Nam, nhất là những thương hiệu quốc gia, xuất hiện trên các nội dung xấu chắc chắn gây bất ngờ cho công chúng về khả năng chọn lọc kênh truyền thông, tiếp cận của chính thương hiệu.
Kế sau đó có thể là thái độ bất bình, không thể chấp nhận một thương hiệu xuất hiện trên nền tảng xấu độc đó bởi vì tinh thần tự hào dân tộc của người Việt rất cao.
"Việc chọn kênh quảng bá như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin công chúng dành cho thương hiệu, nhất là những thương hiệu đã dày công quảng bá và xây dựng được lòng trung thành ở người tiêu dùng.
Họ có thể quay lưng và từ chối sử dụng sản phẩm do nghi ngại thông điệp quảng cáo đồng nhất với kênh phân phối. Chưa kể nếu bị xử phạt do hình ảnh xuất hiện không phù hợp có thể còn bị xử lý theo quy định pháp luật", ông Khoa cảnh báo.
Người tiêu dùng cũng dễ bị ấn tượng xấu với các quảng cáo trên kênh xấu độc vì nghĩ nó... rẻ tiền.
Ông Dy Khoa cảnh báo: "Người tiêu dùng có thể quay lưng với sản phẩm do tiêu chí truyền thông của nhãn hàng có vấn đề. Người tiêu dùng đang ngày càng thông minh hơn, họ sẽ lựa chọn những doanh nghiệp "sạch", không có điều tiếng bên cạnh chất lượng được nâng cao mỗi ngày".
Kiểm soát hiển thị quảng cáo trên các sản phẩm Google
Người dùng các dịch vụ của Google hiện nay có thể sử dụng công cụ "Trung tâm quảng cáo của tôi" (My Ad Center) của Google để kiểm soát các loại quảng cáo hiển thị trên những sản phẩm như: YouTube, Tìm kiếm (Search) và Khám phá (Discover).
Người dùng có thể chủ động chặn các quảng cáo nhạy cảm và tìm hiểu thêm về thông tin được sử dụng để cá nhân hóa trải nghiệm quảng cáo của mình.
Theo đó, khi đăng nhập vào tài khoản Google, người dùng có thể trực tiếp truy cập "Trung tâm quảng cáo của tôi" từ các quảng cáo trên Tìm kiếm, YouTube và Khám phá, đồng thời chọn hiển thị thêm các thương hiệu cũng như chủ đề bạn ưa thích và ngược lại.
Chẳng hạn, bạn có thể chọn giới hạn các quảng cáo về những chủ đề như rượu, hẹn hò, giảm cân, cờ bạc, mang thai và nuôi dạy con.
Riêng với YouTube, trước đây quảng cáo sẽ được hiển thị dựa theo lịch sử xem YouTube của bạn.
Giờ đây, nếu bạn không muốn dùng lịch sử YouTube của mình để cá nhân hóa quảng cáo, bạn có thể tắt tính năng này trong "Trung tâm quảng cáo của tôi" mà không ảnh hưởng đến các đề xuất liên quan.
Người dùng cẩn trọng với quảng cáo
Ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy khuyến nghị người dùng cần cẩn trọng với các quảng cáo xuất hiện trên mạng xã hội như YouTube, Facebook... bởi mặc dù có sự kiểm duyệt nhưng vẫn còn lỏng lẻo, xuất hiện nhiều sai sót, có thể lách quy định.
Điển hình như các quảng cáo mỹ phẩm dỏm, hàng giả, "nhà tôi ba đời thần y", "thần dược"... chữa bách bệnh thường xuất phát từ tài khoản ở nước ngoài (Indonesia, Malaysia...), điều hướng về Việt Nam, khiến nhiều người Việt xem quảng cáo này trên YouTube, Facebook bị lừa, tiền mất tật mang.
Hay các nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo, nói rất hay về công dụng của thuốc, lấy mình làm ví dụ, nhưng thực chất bản thân họ chưa sử dụng.
Ngoài ra còn có một số trường hợp cài quảng cáo cờ bạc, hàng giả hàng dỏm... vào giữa video phát trên các nền tảng mạng xã hội, khiến người dùng bị sập bẫy. "Trên mạng xã hội, mình sẽ thấy đó là một món ăn đẹp, nhưng ngon và bổ thì chưa chắc", ông Huy nói.
* Chị Nguyễn Thanh Huyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội):
Tiếc cho nhãn hàng, thương hiệu lớn
Gia đình tôi phải thường xuyên kiểm soát con xem YouTube, TikTok... vì lo con xem các nội dung xấu, ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng. Lý do, tôi sốc khi phát hiện ra cháu chửi bậy "ngọt xớt" với bạn bè, rồi đua theo trò đi xe bốc đầu giữa đường, tham gia nhóm đánh nhau.
Chất vấn thì cháu thừa nhận đã xem trên mạng xã hội. Tôi lần ngược lịch sử xem trên máy tính của cháu thì thấy bất ngờ vì các clip cháu xem. Và còn bất ngờ hơn là các trang đó được không ít nhãn hàng lớn tài trợ.
Dù lý do gì, nhưng việc quảng cáo ở những trang như thế, với những nội dung clip xấu như thế, đã trực tiếp kích thích những nội dung xấu đó phát triển, liên tục sáng tạo thêm nội dung.
Tôi nghĩ chính các lãnh đạo doanh nghiệp cũng có con, không hiểu họ có lo con họ sẽ xem những clip xấu độc mà họ góp phần trả tiền không?
Riêng tôi không còn sử dụng sản phẩm được quảng cáo ở kênh xấu độc nữa. Bởi tôi không thể chịu được khi nghĩ tiền của tôi bỏ ra đi mua sản phẩm có thể được trích ra làm cái việc hại chính con mình.
TIẾN MẠNH
* Ông NGUYỄN QUANG ĐỒNG (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông):
Không để doanh nghiệp chi tiền cho nội dung xấu, bẩn
Thực tế thời gian qua trên không gian mạng, nhất là các nền tảng Google, Facebook đang có tình trạng quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung bẩn, độc hại, sai sự thật hay khiêu dâm, trái với thuần phong mỹ tục hoặc giật gân, câu view, vi phạm bản quyền...
Ví dụ như trên nền tảng Google, có thời điểm gần các giải bóng đá đã xuất hiện rất nhiều quảng cáo liên quan đến cá độ bóng đá nhưng gần như không có động thái nhằm ngăn chặn, xử lý.
Cạnh đó, trên mạng có nhiều quảng cáo giật tít câu view, thông tin thất thiệt để thu hút người xem.
Trừ một số nhãn hàng lớn khi đặt quảng cáo có yêu cầu đại lý quảng cáo áp dụng một số quy định chặt chẽ, còn hầu hết thương hiệu chỉ yêu cầu số lượng view và khá dễ dãi trong đặt điều kiện nội dung gắn kèm.
Vì vậy, nhiều sản phẩm quảng cáo gắn với các nội dung xấu, độc. Điều này đã gây ra tác hại rất lớn đối với xã hội, người tiêu dùng, doanh nghiệp và vô hình trung giúp "chi tiền" để cho những cái xấu có cơ hội phát triển.
Cần phải xác định rõ không gian mạng là môi trường sống của mọi người Việt Nam, của các doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, báo chí. Bởi vậy phải chung tay làm sạch môi trường này bằng nhiều biện pháp và cần "quét rác" mỗi ngày.
Việc đầu tiên cần chấn chỉnh các nhãn hàng, khiến nội dung bẩn không có cơ hội kiếm tiền. Bên cạnh đó, cần có kênh phản ánh để người dùng mạng xã hội có thể phản ánh thêm các quảng cáo trên nội dung xấu, bẩn.
Cùng với đó, cần phải xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với cơ quan chức năng theo quy định.
Đồng thời thực hiện các giải pháp ủng hộ, ưu tiên quảng cáo trên các nền tảng truyền thông số Việt Nam và các nền tảng tuân thủ quy định của pháp luật.
THÀNH CHUNG
TTO - Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo vi phạm, quảng cáo nội dung xấu hoặc không báo cáo cơ quan chức năng.
Xem thêm: mth.49333538060303202-cab-oc-iov-gnah-nahn-nag/nv.ertiout