Trong nhiều năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà đầu tư vẫn giữ vững quan điểm rằng “không có khoản đầu tư thay thế nào” (TINA) cho chứng khoán. Lợi suất trái phiếu đã chạm “đáy”, thậm chí còn dao động ở mức âm tại Nhật Bản và phần lớn các thị trường châu Âu. Và TTCK, đặc biệt là Mỹ, dường như là địa điểm lý tưởng nhất để “săn lùng” lợi nhuận.
Song, sau đó, đợt bán tháo đã xảy ra vào năm ngoái, khiến giá cổ phiếu lao dốc và lợi suất trái phiếu tăng vọt lên mức chưa từng thấy trong hơn 1 thập kỷ.
Những diễn biến này đã khiến nhiều nhà đầu tư suy nghĩ lại về TINA. Họ cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, những tài sản khác ngoài TTCK Mỹ - bao gồm các tài sản ở thị trường mới nổi, trái phiếu chính phủ và tiền mặt, đang trở nên hấp dẫn hơn.
Theo một cuộc khảo sát hồi tháng 2 do Bank of America thực hiện, tỷ lệ phân bổ với cổ phiếu của các nhà quản lý quỹ đang thấp hơn khoảng 2,2 điểm so với mức trung bình về dài hạn. Trong khi đó, các nhà quản lý quỹ tăng tỷ trọng đối với trái phiếu, thị trường mới nổi, tiền mặt và hàng hoá.
Goldman Sachs đã đặt tên cho sự thay đổi này là “TARA” (có những lựa chọn thay thế hợp lý), trong khi Deutsche Bank gọi là “TAPAS” (có rất nhiều lựa chọn thay thế) và Insight Investment cho rằng đây là “TIARA” (có một giải pháp thay thế thực tế) với cổ phiếu.
Sau khi giảm 19% vào năm 2022, S&P 500 đã hồi phục hơn 5% trong năm nay. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 3,962% và vượt 4% vào tuần trước, lần đầu tiên kể từ tháng 11.
Diễn biến của S&P 500 và quỹ ETF trái phiếu iShares Core U.S. Aggregate Bond.
David Lefkowitz - trưởng bộ phận chứng khoán châu Mỹ tại UBS Global Wealth Management, cho hay: “Trong nhiều năm, cổ phiếu tăng trưởng của Mỹ là loại tài sản được ưa chuộng nhất. Bây giờ, nhà đầu tư cũng có thể kiếm được lợi nhuận từ trái phiếu.”
Công ty này cũng tư vấn cho khách hàng về việc cân nhắc các loại tài sản khác ngoài chứng khoán Mỹ và phân bổ thêm tiền cho các lĩnh vực như tài sản ở thị trường mới nổi hoặc trái phiếu điểm đầu tư.
Nhìn chung, lợi suất trái phiếu đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm vào năm 2022 và điều này khó có thể ngăn cản được nhà đầu tư vội vã chốt lời. Theo Morningstar, các nhà đầu tư đã rút khoản tiền kỷ lục 216 tỷ USD từ các quỹ trái phiếu chịu thuế và 119 tỷ USD từ các quỹ trái phiếu đô thị vào năm ngoái. Do đó, các chỉ số trái phiếu lớn giảm kỷ lục.
Hơn nữa, nhiều thị trường được giới đầu tư xác định là lựa chọn thay thế cho cổ phiếu đã gặp biến động trong thời gian gần đây, sau khi hồi phục vào đầu năm. Vào tháng 2, giá đồng giảm mạnh nhất trong 1 tháng kể từ tháng 7 và chỉ số MSCI Emerging Markets có tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 9.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng cổ phiếu nay đang kém hấp dẫn hơn so với các tài sản khác. Lợi nhuận doanh nghiệp là điều mà giới đầu tư coi là động lực quan trọng nhất giúp cổ phiếu tăng giá, nhưng nay đã chững lại. Các công ty trong S&P 500 dự kiến sẽ chứng kiến lợi nhuận giảm 4,6% trong quý IV/2022, theo FactSet. Các nhà phân tích cũng dự đoán lợi nhuận của S&P 500 giảm trong 2 quý đầu năm nay.
Mặc dù vậy, định giá của TTCK Mỹ vẫn không hề rẻ. Theo FactSet, S&P 500 đang giao dịch ở mức thấp là khoảng 17,5 lần lợi nhuận dự phóng 12 tháng, cao hơn mức trung bình 10 năm là 17,2.
Gautam Khanna - đồng giám đốc bộ phận trái phiếu đa ngành của Insight Investment, cho hay: “Lợi nhuận dự phóng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh theo thực tế mới.”
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Ông cũng đánh giá cao trái phiếu điểm đầu tư của Mỹ. Ông nhận định khó để thực hiện việc chi trả phần bù cho các cổ phiếu có rủi ro sụt giá, trong khi nhà đầu tư có thể chốt lời trên thị trường trái phiếu từ mức trung bình cho đến 1 chữ số.
Ví dụ, các cổ phiếu trong S&P 500 có tỷ lệ cổ tức trung bình khoảng 1,71%, theo Birinyi Associates. Trong khi đó, trái phiếu Kho bạc Mỹ 6 tháng có lợi suất 5,129%, tăng từ mức gần bằng 0 vào đầu năm 2022.
Một số nhà đầu tư cũng cho rằng cổ phiếu đang dễ biến động hơn so với các tài sản khác nếu nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Phần lớn những động lực giúp thị trường rời khỏi mức thấp trong năm ngoái là những kỳ vọng về việc Fed có thể “hạ cánh mềm”. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, một số nhà quản lý tài sản bắt đầu lo ngại rằng nền kinh tế có thể đang tăng tốc trở lại. Nếu lạm phát tiếp tục nóng lên, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất mạnh hơn.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cổ phiếu sẽ khó có thể tăng giá hiệu quả trong kịch bản như vậy.
Theo nghiên cứu của Derek Horstmeyer, giáo sư ngành tài chính tại Trường kinh doanh thuộc Đại học George Mason, trong các cuộc suy thoái kéo dài 50 năm trở lại đây, trái phiếu ngắn hạn và dài hạn, thậm chí là trái phiếu có lợi suất cao đã mang lại lợi nhuận trung bình hàng tháng cao hơn so với các cổ phiếu vốn hoá lớn của Mỹ.
Ông nói, khó để biết kinh tế Mỹ sẽ “trụ vững” như thế nào. Nhưng hiện tại, nhà đầu tư tập trung vào chứng khoán Mỹ dường như phải đối diện với rủi ro sụt giá. Theo ông, nếu Fed có thể “hạ cánh mềm”, TTCK sẽ tăng 10% trong năm tới, nhưng nếu ngược lại, rủi ro giảm 20% là rất có thể.
Tham khảo WSJ