Trên đây là những phản hồi trong hàng trăm ý kiến của bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online sau khi hay tin ngôi sao cải lương Vũ Linh qua đời vào trưa 5-3.
Theo bạn đọc, khi nhắc đến nghệ sĩ Vũ Linh, người ta thường hay dùng tên gọi “ông hoàng Hồ Quảng”.
Những vai diễn của anh đi vào lòng người như kép văn Lương Sơn Bá, kép võ Triệu Tử Long, kép lão Nguyễn Địa Lô... Ở bất kỳ vai tuồng cổ nào, Vũ Linh đều đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật diễn xuất.
Ngoài ra còn một Vũ Linh khác, đó là "ngôi sao của cải lương video”. Trong giai đoạn băng video phát triển rầm rộ của những năm 1990 và cả 2000, Vũ Linh làm mưa làm gió khi có mặt trong hầu hết các video từ tuồng cổ đến các vở diễn tâm lý xã hội.
"Đây là một nghệ sĩ rất đa tài. NSƯT Vũ Linh có thể đóng tuồng cổ, xã hội... Dạng vai nào cũng nổi bật, sáng chói. Anh đóng cặp với nữ nghệ sĩ nào cũng hút khách, thành công. Nhưng đặc biệt liên danh Vũ Linh - Thanh Thanh Tâm và nhất là Vũ Linh - Tài Linh đã trở thành "ngôi sao phòng vé" thời cải lương hoàng kim" - bạn đọc Bình An viết.
Nhưng, bấy nhiêu đó thôi cũng không nói hết khả năng của con người tài hoa này.
Theo tiến sĩ Lê Phước - Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, ấn tượng đặc biệt nhất đối với ông về Vũ Linh là một trong số ít nghệ sĩ vừa diễn rất tốt đồng thời là cao thủ ca vọng cổ.
Chia sẻ trên Facebook cá nhân, TS Lê Phước dẫn chứng: Nếu danh ca Út Trà Ôn đóng đinh cho "bài ca vọng cổ Tình anh bán chiếu", thì Vũ Linh lại ghi dấu ấn đậm trong "vở cải lương Tình anh bán chiếu".
Khi soạn giả Viễn Châu phát triển bài vọng cổ Tình anh bán chiếu thành vở cải lương cùng tên thì Vũ Linh đóng vai chánh. Một trong những nét đặc trưng sáng tác của Viễn Châu là kết thúc câu 6 của bài vọng cổ bằng 2 câu thơ lục bát. Trong tuồng Tình anh bán chiếu, Vũ Linh vẫn ám ảnh tôi khi anh ca dứt câu 6 “Đêm đêm nhớ bóng thương hình, đôi chiếu chung tình đắp mộ người yêu”.
Anh cũng là học trò thân thiết của nghệ sĩ Diệu Hiền nên anh chịu ảnh hưởng cách ca nhấn dấu của cô, do đó trong hai câu trên anh nhấn nhá nghe sướng lắm, nhất là dấu sắc trong chữ “chiếu”.
Cũng theo TS Lê Phước, bài "vọng cổ Tình anh bán chiếu" thế hệ sau đa phần ca đều không dám thoát khỏi kiểu ca chân phương của Út Trà Ôn, nhưng khi Vũ Linh ca 3 câu cuối của bài này, Vũ Linh ca bằng lối nhấn nhá hoa lá rất hay. Vũ Linh cũng áp dụng lối nhấn dấu nên trong câu “lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi”, Vũ Linh nhấn dấu nặng trong chữ “lạnh” làm cho người nghe thật sự cảm thấy lạnh cả người.
Cuối cùng, TS Lê Phước nêu quan điểm: "Đối với riêng tôi, ai mà ca bài vọng cổ Tình anh bán chiếu mà không chân phương kiểu Út Trà Ôn thì tôi không thích nghe, nhưng không hiểu sao tôi lại cũng mê Vũ Linh ca vọng cổ Tình anh bán chiếu theo kiểu của Vũ Linh…".
Cùng thương tiếc một nghệ sĩ tài hoa. bạn đọc Vinh Trần viết: "Gia đình tôi đã coi hát, nghe băng đĩa các tuồng cải lương có nghệ sĩ Vũ Linh đóng. Và không thể nhớ hết là bao nhiêu tuồng, bao nhiêu vai hay".
Cũng theo bạn đọc này: "Vũ Linh đến rạp nào là cháy vé, hết vé rạp đó. Dù hát bất cứ nơi đâu, khán giả ùn ùn đi thưởng thức. Giờ anh hãy yên nghỉ, ngủ thật ngon. Vĩnh biệt một ngôi sao lừng danh cải lương Việt Nam".
Ghi nhận những cống hiến của anh, bạn đọc Ngọc Lễ bùi ngùi: "Thế là một ngôi sao sáng của nghệ thuật cải lương nữa đã ra đi. Cám ơn anh với những vai diễn để đời, chính những lời ca tiếng hát của anh đã góp phần đưa nghệ thuật cải lương đến gần với khán giả hơn. Chúc anh sớm siêu thoát về cõi vĩnh hằng".
Theo vòng xoay của luân hồi thì bất cứ ai rồi cũng phải đi qua cánh cửa này để hoàn tất một kiếp người, bạn đọc Hồ Văn Mười viết: "Vô cùng thương tiếc Vũ Linh, một nghệ sĩ tài danh của sân khấu cải lương Việt Nam. Tre già rồi măng mọc, hy vọng lớp học trò của anh cũng sẽ kế thừa và phát huy nhiều hơn nữa từ những tinh hoa mà nghệ sĩ đã truyền lại".
Thông tin nghệ sĩ Vũ Linh, người được mệnh danh là 'ông hoàng cải lương Hồ Quảng', ra đi lúc 12h30 trưa 5-3 tại nhà riêng (quận Phú Nhuận) khiến giới sân khấu bàng hoàng. Trên các trang mạng cũng tràn ngập lời tiếc thương.