Truyền thông nhà nước Trung Quốc giải thích việc tăng ngân sách quốc phòng lần này là một phần trong nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa quốc phòng để bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển trước các mối đe dọa, bất ổn từ bên ngoài.
Ngân sách ngoại giao chỉ là số lẻ
Trong báo cáo Chính phủ đọc trước Quốc hội ngày 5-3, Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm 2023 ở mức 1,5537 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 224,79 tỉ USD).
Quốc hội Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ chấp nhận con số này, xét tới thực tế các năm qua.
Như vậy ngân sách quốc phòng năm 2023 tăng khoảng 7,2% so với ngân sách của năm 2022. Đây là năm thứ tám liên tiếp mức tăng ở mức một con số. Năm ngoái, ngân sách cho quân đội tăng 7,1% so với năm 2021.
Tuy năm 2023 và 2022 chỉ chênh nhau 0,1% nhưng nếu tính ra tiền, con số chênh lệch lên tới 15 tỉ USD, bằng ngân sách quốc phòng nhiều quốc gia khác gộp lại.
Ngân sách đề xuất cũng bao gồm 54,84 tỉ nhân dân tệ cho "các nỗ lực ngoại giao", tăng 12,2% so với năm trước. Điều này cho thấy mặc dù bắt đầu chú ý nhiều hơn đến ngoại giao, Bắc Kinh vẫn chú trọng sức mạnh cứng hơn sức mạnh mềm.
Ông Song Zhongping - một chuyên gia quân sự và nhà bình luận Trung Quốc - cho biết mức tăng 7,2% không hề cao nếu xét đến nhu cầu quốc phòng và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Tuy nhiên đa số chuyên gia nước ngoài đều không nghĩ như vậy.
"Đừng vì con số 7,2% mà nghĩ tiền Trung Quốc chi cho quân đội đang chậm lại. Xét ra tiền, nó vẫn là con số lớn đáng kể, đặc biệt so với các nước láng giềng. Điều đó góp phần dẫn tới các lo ngại về ý định và năng lực quân sự của Trung Quốc", chuyên gia Drew Thompson thuộc Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) nhận xét trên tờ South China Morning Post.
Đồng quan điểm, nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Thế Phương (Đại học New South Wale, Úc) nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc đang chú trọng hơn về an ninh do tăng trưởng kinh tế không thể ở mức cao như trước.
"Điều quan trọng hơn là mức tăng này phản ánh Trung Quốc đang đánh giá tình hình thế giới có nguy cơ đe dọa an ninh nước này về tổng thể và mối đe dọa ấy đang gia tăng nhanh chóng", ông Phương nói với Tuổi Trẻ.
Không chỉ cho vũ khí
Không giống như các nước khác, Trung Quốc không công bố mục đích sử dụng ngân sách cụ thể đến mức sẽ chi cho bao nhiêu tên lửa, tàu chiến hay máy bay. Tuy nhiên, về cơ bản có ba lĩnh vực quan trọng sẽ ngốn số tiền này đó là binh sĩ, bảo trì bảo dưỡng và mua sắm, phát triển vũ khí.
Lần gần nhất Trung Quốc giải thích chi tiết về ngân sách quốc phòng là vào tháng 2-2022. Tuy nhiên, tài liệu gửi lên Văn phòng Liên Hiệp Quốc về giải trừ quân bị lại trình bày cho ngân sách quốc phòng... năm 2020. Trong đó chi cho binh sĩ chiếm 29,65%, cho huấn luyện và bảo trì bảo dưỡng là 33,16% và khí tài là 37,19%.
Việc Bắc Kinh không sớm công khai mục đích sử dụng ngân sách quốc phòng là nguyên nhân dẫn tới nhiều đồn đoán và lo ngại.
Thêm vào đó, truyền thông phương Tây thường có xu hướng mặc định ngân sách quốc phòng là chi toàn bộ cho mua sắm vũ khí hoặc thổi phồng quá mức vấn đề. Theo chuyên gia Thế Phương, cả ba mảng nêu trên đều có tầm quan trọng "ngang nhau".
Tuy nhiên, xu hướng dành nhiều hơn cho vũ khí sẽ không thay đổi. Ông Thế Phương giải thích: vũ khí bao gồm tất cả các loại dành cho tất cả quân - binh chủng, từ lục quân đến không quân, hải quân và lực lượng tên lửa chiến lược.
Song, Bắc Kinh có xu hướng đang ưu ái cho các khí tài giúp nước này chiếm ưu thế trên biển nhiều hơn.
"Đó không chỉ đơn giản là đóng thêm các tàu sân bay, tàu khu trục hay tàu ngầm và máy bay chiến đấu trên biển. Đó còn là tăng khả năng răn đe hạt nhân từ trên biển, trí tuệ nhân tạo, tác chiến trên không gian mạng", ông Phương lưu ý.
Vì mục tiêu dài hạn "thống nhất Đài Loan"?
Theo giới phân tích, Trung Quốc tin rằng việc tăng ngân sách đều đặn là cần thiết để Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) theo kịp mục tiêu dài hạn của Bắc Kinh là "thống nhất Đài Loan, bằng vũ lực nếu cần thiết".
Trung Quốc cũng muốn đạt được các mục tiêu chào mừng kỷ niệm 100 năm thành lập PLA vào năm 2027.
Tham vọng của Bắc Kinh còn là hiện đại hóa quốc phòng và lực lượng vũ trang vào năm 2035, xây dựng PLA thành lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới vào giữa thế kỷ 21.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết "những nỗ lực từ bên ngoài nhằm đàn áp và kiềm chế Trung Quốc đang tăng", đặt ra nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng.
Xem thêm: mth.11455357070303202-gnuc-hnam-cus-neit-uu-nav-couq-gnurt/nv.ertiout