Mới đây, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông báo đấu giá tài sản khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang, Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên, giá khởi điểm là 235 tỉ đồng. Được biết, cả hai doanh nghiệp này có tổng dư nợ tạm tính đến ngày 11/3/2022 là 515 tỉ đồng. Đây là lần rao thứ 14, giá thanh lý đã giảm phân nửa so với giá khởi điểm lần thanh lý đầu tiên (500 tỉ đồng) nhưng đến nay vẫn chưa tìm được người mua.
Có những tài sản giá trị nhỏ, được BIDV rao bán đến 7 lần nhưng đến nay cũng chưa có người mua. Như quyền sử dụng 4 thửa đất (diện tích 132,1m2/thửa) của Công ty Thành Vinh tại Quy Nhơn được rao bán chỉ giá 3,53 tỉ đồng, đã giảm 30% so với lần đầu rao bán.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng đang rao bán nhiều khoản nợ mà trước đó đã rao nhiều lần. Như khoản nợ của Công ty cổ phần Giấy BBP (gồm máy móc, thiết bị nhà xưởng, xe và 2 quyền sử dụng đất diện tích 31.867m2) có giá 64 tỉ đồng, đã rao bán lần thứ 18. Khoản nợ của Công ty CP Tấn Lộc giá trị 45,5 tỉ đồng đã rao bán lần thứ hai. Đặc biệt, mới đây ngân hàng này còn rao bán nhiều khoản nợ lên tới hàng ngàn tỉ đồng, như khoản nợ gốc, nợ lãi, lãi phạt của Công ty TNHH Việt Thuận Thành là 1.297 tỉ đồng, không có tài sản đảm bảo; khoản nợ của Công ty TNHH XNK TM Võ Thị Thu Hà 1.422 tỉ đồng.
Tài sản bất động sản căn hộ, nhà phố có tính thanh khoản cao hơn so với bất động sản là đất nông nghiệp, nhà xưởng... |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã 4 lần rao bán tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất tại địa chỉ 258 và 256A Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM với giá khởi điểm 63 tỉ đồng. So với thời điểm rao bán năm 2021, giá này đã giảm 98 tỉ đồng. Agribank cũng đã 4 lần rao bán khoản nợ của Công ty Địa ốc Khang Gia với giá 3,6 tỉ đồng. Công ty này có nợ gốc chỉ 8 triệu đồng nhưng tiền lãi lên đến 6,15 tỉ đồng. Trước đó, Agribank rao bán đợt đầu tiên là 6,1 tỉ đồng, sau đó giảm xuống còn 5,6 tỉ đồng, rồi còn 4,5 tỉ đồng. Như vậy đến nay khoản nợ này đã giảm 2,6 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã 5 lần rao bán 18 khoản nợ (không tách rời) được đảm bảo bằng tài sản tại dự án CKN Phong Phú. Lần thứ nhất Sacombank rao bán với giá khởi điểm 14.577 tỉ đồng, lần thứ hai giảm còn 11.810 tỉ đồng, lần thứ ba giảm còn 9.600 tỉ đồng. Đến phiên đấu giá lần thứ tư và lần thứ năm giảm còn 7.934 tỉ đồng.
Có nhiều lý do khiến tài sản bất động sản được rao bán nhiều lần nhưng vẫn không thu hút người mua. Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho biết, phần lớn bất động sản phát mại đều là cao ốc văn phòng, đất nông nghiệp, nhà xưởng, kho bãi… của doanh nghiệp. Những bất động sản này có giá trị lớn nhưng tính thanh khoản sẽ không cao bằng căn hộ, nhà phố. Nếu tài sản là nhà xưởng, máy móc gắn liền với bất động sản thì theo thời gian các tài sản này sẽ xuống cấp, không còn hấp dẫn người mua. Dù tài sản đã được ngân hàng thẩm định kỹ trước khi cho vay nhưng vẫn có nguy cơ rủi ro pháp lý, các thủ tục xử lý tài sản này vẫn còn chậm so với mua trực tiếp từ chủ đầu tư.
“Thị trường bất động sản đang gặp khó về thanh khoản, lãi suất tăng cao, khó vay ngân hàng… đây cũng là các yếu tố khiến việc phát mại tài sản của ngân hàng bị chậm, không còn hấp dẫn như trước. Nếu các ngân hàng vẫn không bán được tài sản này thì nguy cơ nợ xấu gia tăng là có” - tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.1866841a-e-nav-05-aig-maig-nas-gnod-tab-iam-tahp-gnah-nagn/nv.moc.enilnounuhp.www