Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 7-3, ba ngày sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 30 (ngày 4-3) và bốn ngày ban hành nghị định 07 (ngày 3-3), đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng đây là động thái rất tích cực của Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các bệnh viện đang gặp phải, nhưng chúng chỉ mang tính chất tạm thời, trước mắt.
Nghị quyết 30: Chỉ là nghị quyết, cần sửa luật
Với nghị quyết 30 được Chính phủ ban hành ngày 4-3, bà Lan cho rằng đã gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong thanh toán đến việc được đặt máy móc, hay không cần 3 báo giá nhà cung cấp…
Tuy nhiên, theo bà Lan thì đây chỉ là nghị quyết, vấn đề "gốc rễ" lâu dài là cần sửa luật, từ đó sẽ ra các nghị định, thông tư.
Trong trường hợp sửa luật thì cần nhất là Luật đấu thầu, chí ít phải có một chương quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, hệ thống y tế công lập hay tư nhân ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều đặt ra vấn đề kiểm soát thất thoát như kê khống giá, tráo đổi thiết bị bên trong…, bởi chỉ cần cấu hình khác nhau, giá đã rất khác.
Vì vậy nếu chỉ đấu thầu thì không kiểm soát được việc này, mà cần làm sao càng công khai minh bạch càng tốt. Các đơn vị khi mua sắm không bị ràng buộc yếu tố "ngon, bổ, rẻ". Đây là những vấn đề rất khó, nên điều cần bây giờ là giá cả hợp lý và các thông tin phải công khai minh bạch.
"Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt và ban hành nghị quyết, nhưng đây chỉ là nghị quyết. Những chính sách thí điểm trong nghị quyết thì có thể "rút hạ" bất cứ lúc nào, và không tạo nền pháp lý đủ vững để các bệnh viện an tâm thực hiện. Và thực tế hiện nay khi nghị quyết không đáp ứng điều kiện về pháp lý thì bệnh viện rất sợ làm, sau đó bị truy trách nhiệm", bà Lan kết luận.
Nghị định 07: Sau năm 2024 lại phải chờ...
Với nghị định 07 thay thế cho nghị định 98, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, nghị định chỉ can thiệp việc quản lý trang thiết bị, giải quyết được vướng mắc về số lưu hành và giấy phép nhập khẩu.
Tuy nhiên với thời gian gia hạn số lưu hành là đến ngày 31-12-2024 thì các bệnh viện chỉ gỡ khó được trong giai đoạn này, còn từ sau ngày 31-12-2024 lại chưa rõ. Do đó cần xem xét lại quy chế gia hạn tự động số lưu hành.
Nghị định quy định cho tham khảo giá trúng thầu 12 tháng nhưng thực tế hai năm chưa có đơn vị trúng thầu thì giải quyết thế nào? Tất cả những điều này thuộc về quy trình đấu thầu, thì nghị định 07 không thể gỡ khó khăn được gì", bà Lan phân tích.
Giải quyết "tận gốc", phải làm sao?
Để giải quyết vấn đề tận gốc, theo bà Lan, cần sự vào cuộc và trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vì đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không phải vấn đề chuyên môn y tế. Một mình ngành y tế không thể đủ khả năng khi xây dựng Luật đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm trong khi trang thiết bị y tế, thuốc có rất nhiều đặc thù.
Song song đó hãy thành lập Trung tâm tiếp liệu quốc gia, bổ sung thành phần các chuyên gia đến từ kiểm toán, thanh tra, công an để bảo đảm mua sắm đúng luật.
Và điều thiếu nhất trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị hiện nay là góc độ pháp lý, trong khi cơ quan công an điều tra là yếu tố vụ lợi, tức là giữa hai bên có "bắt tay nhau", công ty có chia tiền cho chủ thầu hay không…
Những giá công khai trên mạng chỉ so sánh được giá cả, nhưng theo Luật giá thì không có yếu tố nào cho thấy hàng hóa đó là đắt hay rẻ, các công ty có ghi khống giá hay hạ thấp giá…
"Tôi nghĩ đến lúc xem lại có nhất thiết cái gì cũng phải đấu thầu? Hãy giao quyền tự chủ rõ ràng cho đơn vị với gói định suất trên số lượng và quy mô bệnh tật của bệnh nhân ở các bệnh viện công lập, để tự kiểm soát thất thoát khi mua sắm trang thiết bị như ở các bệnh viện tư nhân. Nếu chưa dám làm đại trà thì hãy lựa chọn một số đơn vị thí điểm", bà Lan nêu ý kiến.
Chiều 6-3, Sở Y tế TP.HCM có buổi họp trực tuyến với các bệnh viện trên địa bàn TP để thông tin quy định mới tháo gỡ vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế qua nghị định 07 và nghị quyết 30 của Chính phủ.
Mục đích của buổi làm việc này là để tránh tình trạng mỗi cơ sở y tế hiểu quy định mới của Chính phủ về việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế theo cách khác nhau,
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn TP cho rằng nghị định 07 và nghị quyết 30 đã giải quyết nhiều khó khăn cho bệnh viện. Tuy nhiên, việc sửa chữa máy móc vẫn phải theo thông tư 68, nghị định 14, 15 và theo Luật đấu thầu nên cần sự phối hợp nhiều bên.
Nhiều giám đốc bày tỏ lo lắng về tình huống liệu công ty báo giá có sát với giá nhập từ nước ngoài hay không. Bởi việc giám sát, việc thanh kiểm tra sau đó hầu như đều tập trung vào giá này. Do đó, cần có cơ quan chủ trì, giám sát, nhằm bảo vệ những người làm công tác mua sắm đấu thầu.
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 30 cho phép thực hiện nhiều cơ chế được cho là gỡ khó thanh toán chi phí bảo hiểm y tế, mua thuốc, vật tư cho bệnh viện. Điểm vướng nhất: chi trả bảo hiểm thiết bị y tế diện đặt, mượn đã có giải pháp.
Xem thêm: mth.51010208070303202-taul-aus-nac-nav-gnuhn-cuc-hcit-tar-03-teyuq-ihgn-ioh-couq-ueib-iad/nv.ertiout