Dầu thô Mỹ WTI hiện tiến sát 81 USD một thùng. Hôm qua, giá dầu này đóng cửa ở mức cao nhất 5 tuần, tại 80,46 USD. Trong khi đó, giá dầu Brent hiện là 86,6 USD. Đà tăng của Brent đã kéo dài sang phiên thứ 6.
"Khi ngưỡng hỗ trợ hiện tại là mốc trung bình động 100 ngày, giá dầu có thể lên lại ngưỡng 90 USD một thùng", Yeap Jun Rong – chiến lược gia thị trường tại IG Asia (Singapore) nhận định.
Giá dầu tăng do nguồn cung thắt chặt và kỳ vọng nhu cầu tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới - tăng lên. Trong một diễn đàn năng lượng tại Mỹ hôm 6/3, CEO Chevron Mike Wirth cho biết thị trường dầu và hoạt động logistics rất dễ tổn thương nếu có bất kỳ gián đoạn nguồn cung nào.
Việc Arab Saudi - nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới - nâng giá bán dầu thô cho châu Á tháng thứ 2 liên tiếp, cũng kéo giá lên. Một nguyên nhân nữa là USD hôm qua giảm giá, giúp dầu thô rẻ hơn với người mua bằng các đồng tiền khác.
Nhà đầu tư hiện chờ kết quả cuộc điều trần kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ hôm nay, của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ. Cuộc điều trần này có thể hé lộ manh mối về chính sách tiền tệ sắp tới của Fed.
Dầu thô trải qua nhiều biến động trong năm qua. Thị trường giằng co bởi nhiều yếu tố, từ lo ngại Fed tiếp tục nâng lãi suất đến lạc quan về nhu cầu sau khi Trung Quốc chấm dứt Zero Covid. Tuy nhiên, việc Trung Quốc năm nay đặt ra mục tiêu tăng trưởng thận trọng khiến sự lạc quan này giảm bớt phần nào.
Giới buôn cũng đang theo dõi dòng chảy dầu Nga sau khi nước này bị áp nhiều lệnh trừng phạt vì chiến sự tại Ukraine. Dù vậy, kinh tế Nga dường như chưa chịu nhiều tác động. CEO Gunvor Group Torbjorn Tornqvist nhận định kế hoạch giảm sản xuất 500.000 thùng một ngày của Nga trong tháng 3 vẫn chưa tác động đến xuất khẩu của nước này.
Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)