Không ảnh chụp tháng 3-2019 tại xưởng tàu của Công ty Jiangnan-Changxing cho thấy nhiều tàu khu trục lớp Type 052D cùng tàu chở hàng dân dụng được sản xuất - Ảnh: WEIBO
Đó là thông tin được đăng trên báo Asia Times mới đây, trong bài viết có tiêu đề "Hải quân Mỹ kêu than về uy thế đóng tàu của Trung Quốc". Asia Times dẫn lại thông tin từ báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc mà Lầu Năm Góc phát tháng 11-2022.
Theo đó, Trung Quốc thậm chí còn có một xưởng tàu với sức chứa lớn hơn toàn bộ các nhà máy của Mỹ cộng lại.
Đây là thành quả của việc triển khai chiến lược "Dung hợp quân - dân" của nước này. Các đơn vị quốc phòng, đơn vị phi quân sự, trường đại học, viện nghiên cứu Trung Quốc được khuyến khích hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa khu vực quân sự và dân dụng, cùng lúc thúc đẩy sự phát triển ở cả hai khu vực.
Ngoài ra, theo sổ tay Hội nghị về thống kê thương mại và phát triển năm 2022 của Liên Hiệp Quốc, hệ thống xưởng tàu Trung Quốc sản xuất 44,2% tàu thương mại thế giới trong năm qua, bỏ xa nước đứng thứ hai là Hàn Quốc (32,4%). Con số này của Mỹ chỉ dừng lại ở mức 0,053%.
Với chiến lược "Dung hợp quân - dân", hầu hết chương trình đóng tàu quân sự của Trung Quốc được triển khai tại các xưởng tàu quy mô lớn trên, với hệ thống cơ sở vật chất và công nghệ hiện đại.
Chiến lược này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí đóng tàu quân sự khi không cần xây dựng và duy trì xưởng tàu riêng, giảm thời gian sản xuất cũng như tăng chất lượng trang thiết bị quân sự. Kể cả khi kinh tế khó khăn, Trung Quốc vẫn có thể duy trì việc đóng mới tàu chiến nhờ áp dụng các kỹ thuật sản xuất hàng loạt cho tàu dân dụng.
Chiến lược "Dung hợp quân - dân" cũng cho phép các doanh nghiệp phi quân sự kinh doanh trực tiếp với quân đội. Các doanh nghiệp này thỏa thuận mua linh kiện, công nghệ tối tân, những mặt hàng vốn bị các nước phương Tây cấm bán cho quân đội Trung Quốc, từ doanh nghiệp nước ngoài, sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp quốc phòng.
Tàu khu trục Đường Sơn (thuộc lớp 052D), một trong những tàu chiến hiện đại trong biên chế hạm đội Trung Quốc hưởng lợi từ chiến lược "Dung hợp quân - dân" - Ảnh: SHIPSHUB.CON
Ông Richard Bitzinger, giáo sư thỉnh giảng cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), đánh giá chiến lược "Dung hợp quân - dân" mang lại một số lợi thế bao gồm tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất, cải thiện chất lượng thiết bị quân sự và sản xuất tổng thể hiệu quả hơn, cũng như cho phép các ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc tận dụng những tiến bộ trong công nghệ dân sự.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế. Tiêu biểu nhất trong số đó là thiếu hụt nhân sự tay nghề cao. Do đó, đến nay, số lượng xưởng tàu Trung Quốc có thể sản xuất khí tài tối tân là không nhiều.
Chính quyền Bắc Kinh đề xuất ngân sách quốc phòng tăng 7,2%, tương đương 225 tỉ USD, với phần đáng kể chi cho vũ khí. Nhưng đó chưa phải là tất cả.
Xem thêm: mth.97305919070303202-ioig-eht-tahn-nol-iod-mah-uuh-os-couq-gnurt-iahp-oc/nv.ertiout