Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đã ra lệnh tự hủy quả tên lửa và để nó rơi xuống đại dương sau khi động cơ ở tầng thứ 2 không thể hoạt động. Lệnh tự hủy được gửi tới con tàu khoảng 19 phút sau khi nó cất cánh từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ở tây nam Nhật Bản. Con tàu rơi thẳng xuống vùng biển ngoài khơi Philippines cùng vệ tinh nó mang theo.
Tên lửa mới nhất có tên H3, cao 63m, do Mitsubishi Heavy Industries Ltd. chế tạo. Nó đại diện cho nỗ lực mới nhất của Nhật Bản nhằm bắt kịp từ nhu cầu ngày càng tăng trong ngành hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, thất bại của vụ phóng đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong việc bắt kịp công ty hàng không vũ trụ tư nhân SpaceX của tỷ phú Elon Musk.
Năm 2015, SpaceX đã phóng và hạ cánh thành công tên lửa Falcon – loại tên lửa tái sử dụng. H3 cũng hướng tới mục tiêu đó nhằm giúp giá các vụ phóng trở nên cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, chỉ có các bộ phận lớn của tên lửa là có khả năng tái sử dụng. Phần thân chính sẽ chỉ dùng được một lần.
Chủ tịch JAXA Hiroshi Yamakawa cho biết: “Trách nhiệm của chúng tôi là tìm ra nguyên nhân gốc rễ của sự cố và khôi phục niềm tin của mọi người vào ngành công nghiệp tên lửa của Nhật Bản. H3 rất quan trọng với tham vọng vươn tới không gian của Nhật Bản”.
Một đội chuyên trách đã được thành lập để điều tra nguyên nhân sự cố. JAXA cho biết họ chưa có kế hoạch trục vớt phần động cơ bị rơi.
Mitsubishi Heavy đã làm việc để phát triển tên lửa H3 trong hơn 1 thập kỷ qua. Vụ phóng được lên kế hoạch trước đó đã bị hủy bỏ sau khi phát hiện trục trặc từ hệ thống động cơ chính khiến tín hiệu đánh lửa không đến được bộ phận cần tới. Sự cố đã khiến cổ phiếu Mitsubishi Heavy giảm 1%.
Tên lửa H3, được phát triển nhằm thay thế H2-A, được giới thiệu lần đầu năm 2001 như là đại diện cho tham vọng chinh phục không gian của Nhật Bản. Nhật Bản cũng lên kế hoạch đưa 6 vệ tinh vào không gian mỗi năm trong 2 thập kỷ tới.
Trong một thời gian dài, trở ngại chính trong các vụ phóng tên lửa là giá cả, vốn lên tới 90 triệu USD/lần phóng. Dù tải trọng tương tự nhưng H2-A lại có chi phí phóng nhiều hơn 23 triệu USD so với Falcon 9 của SpaceX. Tuy nhiên, H3 sẽ là bước ngoặt với chi phí phóng chỉ 50 triệu USD, rẻ hơn 17 triệu USD so với SpaceX. Chính vì thế, đây sẽ là giải pháp hoàn hảo để Nhật Bản có thể cạnh tranh với công ty của Elon Musk trong ngành công nghiệp tạo ra 386 tỷ USD trong năm 2021 này.
“Chúng tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành tới những người theo dõi, yêu thích hay tham gia vào quá trình phát triển và phóng H3”, ông Yamakawa nói trong cuộc họp báo sau thất bại của vụ phóng.
Tham khảo: Bloomberg