Theo bà Nguyễn Thanh Xuân, quy định tại điều 74 Luật đất đai (dự thảo) là phù hợp nhằm phát huy giá trị của đất, giảm bớt tình trạng quy hoạch các dự án nhưng không thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
"Hội viên nông dân đề nghị đối với các dự án quy hoạch sau 3 năm không thực hiện thì người dân được phép thực hiện quyền sử dụng đất của mình" - bà Xuân nói.
Cũng theo bà Xuân, quy định tại khoản 2, điều 89 là quy định có tính nhân văn, tiến bộ, là điểm mới trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, nếu thực hiện tốt sẽ đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.
"Tuy nhiên, hội viên nông dân kiến nghị các văn bản hướng dẫn dưới luật cần quy định chi tiết tiêu chuẩn đánh giá 'điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ' là như thế nào trong điều kiện cụ thể là hộ đông người, các hộ nông thôn" - bà Xuân chia sẻ.
Bà Phạm Hải Hoa, chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, cho biết không ít dự án chậm triển khai lên đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất, cụ thể như không cho phép xây dựng, sửa chữa gây thiệt hại cho người dân, làm phí tài nguyên đất trong khi người dân lại không có đất để sản xuất, kinh doanh...
Do đó, bà Hoa đề nghị dự thảo Luật đất đai cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, dự thảo luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án "treo" để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.
Bà Hoa cũng cho rằng tại điều 78 Luật đất đai (dự thảo), cần quy định rõ thành 3 nhóm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia công cộng. Gồm thu hồi đất xây dựng công trình hạ tầng công cộng, phúc lợi xã hội; thu hồi đất để xây dựng các công trình, dự án có tính thương mại và thu hồi đất để xây dựng các công trình vừa phục vụ mục đích phúc lợi xã hội chung vừa có hoạt động kinh doanh thương mại.
"Hiện nay xảy ra tình trạng Nhà nước thu hồi để các nhà đầu tư doanh nghiệp làm dự án mang tính thương mại dịch vụ dẫn đến việc thu hồi giá thấp (theo giá quy định của Nhà nước giao cho tư nhân) khi xây dựng hạ tầng cho thuê lại giá rất cao, gấp 5 - 7 lần giá thu hồi. Như vậy làm lợi rất lớn cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong nhân dân và xã hội", bà Hoa nói.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh chuyển dịch đất đai luôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lực lượng sản xuất. Mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân khu vực nông thôn và các chủ thể liên quan trong quá trình chuyển dịch đất đai. Người dân phải được thụ hưởng lợi ích từ quá trình phát triển.
"Nông dân chủ yếu sống ở nông thôn và quá trình chuyển đổi lên công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng là quá trình kết hợp với chuyển đổi nông nghiệp, nông dân ở nông thôn lên đô thị và công nghiệp hóa, dịch vụ, thương mại.
Đây là đối tượng hết sức quan trọng tác động rất lớn trong quá trình xây dựng các chính sách. Thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa rõ ràng cần phải có chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, chuyển dịch về lực lượng sản xuất, kèm theo đó chuyển dịch về tài nguyên đất đai", Phó thủ tướng nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi cùng GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật đất đai sáng 4-3, tại Hà Nội.