Bakhmut rực lửa ngày đêm, hai bên đều nêu khả năng Nga thọc sâu vào Ukraine
. Theo hãng tin Ukrinform, ngày 7-3 Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang tập trung tấn công các khu vực Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk (tỉnh Donetsk). Trong ngày, phía Nga đã 19 lần không kích, 1 lần dội tên lửa vào khắp các mặt trận ở Donetsk.
Bộ này cảnh báo mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vẫn còn đáng kể trên khắp Ukraine. Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, ngày qua quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga gần các TP Ivanivske, Klishchiivka và Bakhmut, bất chấp nỗ lực bắn phá Bakhmut của Nga vẫn rất quyết liệt.
Về tình hình Bakhmut, chia sẻ với đài CNN ngày 7-3, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục tăng cường phòng thủ tại TP và nhấn mạnh đó là chiến thuật của Kiev. “Chúng tôi hiểu rằng nếu giành được Bakhmut, Nga có thể tiến xa hơn. Họ có thể đến Kramatorsk, Sloviansk. Thắng Bakhmut là mở đường lớn cho Nga tiến đến các thị trấn khác ở Ukraine, theo hướng Donetsk. Đó là lý do tại sao chúng tôi cố gắng bảo vệ thành phố này” - ông nói.
Binh sĩ Ukraine lắp đạn bắn về phía Nga tại chiến tuyến TP Bakhmut (tỉnh Donetsk) ngày 5-3. Ảnh: REUTERS |
Các tỉnh khác của Ukraine cũng phải đối mặt với hỏa lực của pháo binh Nga trong ngày qua, gồm TP Nokopol tại tỉnh Zaporizhia và hơn 30 thị trấn ở tỉnh Kherson, theo Ukrinform.
. Theo hãng thông tấn TASS, quan chức chính quyền Cộng hoà Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết các lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn tổng cộng 71 quả đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) vào các khu vực đông dân cư tại DPR, gồm các TP Vladimirovka, Donetsk, Panteleymonovka, và Yakovlevka.
Ông Yevgeny Prigozhin - lãnh đạo tập đoàn quân sự Wagner - cho biết hiện có khoảng 12.000 đến 20.000 quân nhân Ukraine hiện đang ở Bakhmut. "Cuộc chiến (ở Bakhmut) cực kỳ khó khăn diễn ra cả ngày lẫn đêm, nhưng lính Ukraine vẫn không rút lui" - ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng ngày càng có nhiều quân nhân Kiev đổ dồn về Bakhmut.
Theo ông Prigozhin, các lực lượng Nga ở Bakhmut "cảm nhận hoàn toàn cơn thịnh nộ của ông Zelensky" và nhấn mạnh các lực lượng Ukraine sẽ không cạn kiệt vũ khí và đạn dược. Trước đó, ông này cho biết đã viết một bức thư cho chỉ huy Nga phụ trách chiến dịch quân sự Ukraine để thông báo "về nhu cầu cấp thiết phân bổ đạn dược".
Về nỗ lực của Nga ở Bakhmut, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết việc chiếm giữ Bakhmut là rất quan trọng để tạo lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine và sẽ cho phép các lực lượng của Moscow tấn công sâu hơn vào bên trong nước láng giềng, theo hãng tin Reuters.
Ba Lan sẽ gửi thêm 10 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine trong tuần này
Ngày 7-3, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan cho biết Warsaw sẽ gửi thêm 10 xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất tới Ukraine trong tuần này, theo Reuters.
"Bốn xe tăng hiện đã ở Ukraine, 10 chiếc khác sẽ đến Ukraine trong tuần này" - ông Blaszczak nói. Ba Lan đã cam kết gửi tổng cộng 14 xe tăng Leopard 2 cho Kiev.
Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất. Ảnh: AP |
Ông cho biết thêm phía Ba Lan dự kiến có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistrius để thảo luận về tình trạng thiếu phụ tùng thay thế cho xe tăng Leopard. Ông cho biết thêm rằng vấn đề này có thể được giải quyết chủ yếu nhờ ngành công nghiệp vũ khí của Đức và Ba Lan cũng sẵn sàng sản xuất các bộ phận như vậy.
“Chúng tôi đã sẵn sàng mở một trung tâm ở Ba Lan, nơi sẽ giải quyết việc sửa chữa và bảo dưỡng xe tăng Leopard được giao cho Ukraine” - ông Blaszczak tuyên bố.
Đức: NATO phải quyết định lực lượng quân sự thường trực để bảo vệ vùng Baltic
Ngày 7-2, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết NATO, chứ không phải Đức, phải quyết định thành lập các lực lượng quân sự thường trực để bảo vệ các nước vùng Baltic, CNN đưa tin.
“Cuối cùng, vấn đề không phải là Đức dự định làm gì, mà là điều gì NATO cho là đúng và cần thiết” - ông Pistorius nói trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Lithuania - ông Arvydas Anusauskas.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết thêm Bộ Chỉ huy Đồng minh Tối cao châu Âu (SACEUR) và NATO đang xem xét “các đơn vị linh hoạt để bảo vệ toàn bộ sườn phía đông”.
“Cam kết với sườn phía đông hiện nay còn quan trọng hơn so với kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc” - ông nói.
Trong trường hợp NATO triển khai một hoặc một vài lữ đoàn tới sườn đông, ông Pistorius cho biết Berlin dự kiến sẽ đóng góp “một đơn vị khổng lồ" gồm 5.000 binh sĩ cùng các nhân viên dân sự và thành viên gia đình.
Trong cuộc họp báo, ông Anusauskas cho biết Vilnius đang tìm kiếm "sự hiện diện lâu dài của lữ đoàn Đức ở Lithuania", đồng thời nói thêm rằng nước này đang chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để tiếp đón quân đội Đức.