Phóng viên: Theo cảm nhận của bà, những trở ngại đối với doanh nhân nữ Việt Nam nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung là gì?
Bà Winnie Wong: Đầu tiên, những quan điểm truyền thống về văn hóa và xã hội có thể ngăn cản họ tiếp cận với những cơ hội trong sự nghiệp. Phụ nữ thường đảm nhận trách nhiệm chăm sóc gia đình. Ngoài ra, các rào cản và định kiến giới có thể ngăn cản phụ nữ tham gia vào một số ngành hoặc vị trí; các doanh nghiệp (DN) do phụ nữ làm chủ có thể không được đối xử công bằng so với các DN khác.
Điểm tích cực là các doanh nhân Việt Nam, bao gồm cả nữ, đã và đang nhanh chóng thích nghi với nền kinh tế số. Nhiều nữ doanh nhân đã tận dụng công nghệ, thương mại điện tử để mở rộng kinh doanh, tiếp cận khách hàng nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, họ cũng đang gặp phải những hạn chế từ kinh tế số, như hạ tầng và các công cụ số có thể bị giới hạn ở một số khu vực, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; nhiều người vẫn chưa biết cách sử dụng công nghệ số; số người sở hữu tài khoản ngân hàng vẫn còn thấp...
* Mastercard có những hoạt động gì hướng tới mục tiêu bình đẳng giới, thưa bà?
- Phát triển toàn diện là một trong những ưu tiên toàn cầu của Mastercard. Bởi vậy, chúng tôi không ngừng thực hiện các cam kết về bình đẳng cho nữ giới, đồng thời hỗ trợ chính phủ và các tổ chức tài chính triển khai các sáng kiến và chương trình thúc đẩy việc trao quyền cho nữ doanh nhân và trẻ em gái trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.
Chẳng hạn, chúng tôi có cam kết về hỗ trợ tài chính toàn diện cho 25 triệu doanh nhân nữ trên toàn cầu tham gia nền kinh tế số. Chúng tôi có chương trình “Give me 5” thúc đẩy bình đẳng giới bằng cách gắn kết, tạo điều kiện và trao quyền cho phụ nữ thông qua 3 trọng tâm là con người, xã hội, thị trường. Ở Việt Nam, Mastercard hợp tác với Tổ chức CARE quốc tế cung cấp quỹ khẩn cấp cho 1.000 phụ nữ là chủ các DN vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ họ khởi động lại việc kinh doanh, phục hồi sau đợt dịch COVID-19 vào năm 2020. Ngoài ra, chúng tôi có các hoạt động về sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE), tạo ra các dịch vụ tài chính phù hợp cho các nữ doanh nhân, đồng thời mang lại khả năng tiếp cận nguồn vốn lưu động, tiết kiệm và bảo hiểm thuận lợi hơn cho các DN có kế hoạch mở rộng quy mô.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tích cực tham gia hành trình thúc đẩy sự đa dạng về bản dạng giới (nhận thức của một người về giới tính của bản thân) và hòa nhập toàn diện ở nơi làm việc. Chúng tôi triển khai những chính sách và hoạt động ủng hộ bình đẳng giới, đồng thời đạt được các bước tiến quan trọng khi ngày càng có nhiều phụ nữ giữ các vị trí lãnh đạo trong tập đoàn.
Về lâu dài, chúng tôi sẽ tập trung vào mục tiêu kiến tạo môi trường phù hợp với nhiều sự hỗ trợ hơn nữa cho các nữ doanh nhân và nữ chuyên gia ở Việt Nam.
* Theo bà, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để có một môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi hơn cho phụ nữ? Bà có lời khuyên nào dành cho các nữ doanh nhân Việt Nam?
- Hiện nay, Chính phủ và các đoàn thể ở Việt Nam đã có những chính sách hỗ trợ về việc làm và tạo điều kiện kinh doanh cho phụ nữ. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng cách về giới và tiến tới một nền kinh tế bình đẳng toàn diện, cần nhiều yếu tố, chẳng hạn như ý thức về bình đẳng giới trong mọi hoạt động. Muốn vậy, tất cả các sản phẩm, dịch vụ, chương trình hoặc sáng kiến cần được thiết kế và phát triển dựa trên sự bình đẳng dành cho nữ doanh nhân, cân nhắc tới những rào cản mà họ phải đối mặt cũng như những nhu cầu cụ thể của họ.
Cần xây dựng dữ liệu bình đẳng cho phụ nữ. Các thuật toán cần tạo điều kiện bình đẳng để phụ nữ dễ dàng tiếp cận các hệ thống tài chính cũng như thiết lập các tài khoản định danh điện tử. Khi sở hữu những dữ liệu bình đẳng hơn dành cho phụ nữ, chúng ta có thể thu thập, phân tích và tối ưu hóa nguồn dữ liệu tích hợp nhằm cải thiện các sản phẩm, dịch vụ hiện có phù hợp hơn với nhu cầu của các nữ doanh nhân, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến phục vụ phụ nữ hiệu quả hơn. Cần tối ưu hóa khả năng tiếp cận nguồn vốn của phụ nữ.
Bên cạnh các yếu tố ngoại cảnh, nội lực cũng là yếu tố quyết định sự thành công của người phụ nữ. Dựa trên những quan sát cá nhân, tôi thấy rằng, đôi lúc, phụ nữ trở thành kẻ thù lớn nhất của chính mình khi lựa chọn ở trong vùng an toàn thay vì đương đầu với thử thách. Đa số phụ nữ chỉ thật sự dấn thân khi đã chắc chắn 100% với lựa chọn của mình. Có thể thấy rằng, e dè với rủi ro là một điểm yếu đối với phụ nữ trong vai trò lãnh đạo.
Theo tôi, phụ nữ chúng ta nên có niềm tin nhiều hơn vào phán đoán của mình, lắng nghe bản thân và quan trọng nhất là không sợ thất bại. Hãy tự tin chiến đấu vì những điều chúng ta xứng đáng, đừng để nỗi lo lắng hay sợ hãi làm chúng ta chùn bước trong hành trình vươn tới những cột mốc xa hơn.
* Xin cảm ơn bà.
Thanh Hoa (thực hiện)
Xem thêm: lmth.3676841a-iot-ohc-gnuh-mac-neyurt-teiv-un-uhp-auc-ox-yaox-gnan-ahk/nv.moc.enilnounuhp.www