Chuyện các nước chuyển vũ khí cho Ukraine là đề tài nóng sau một năm chiến sự Nga - Ukraine. Cho đến nay, chưa hề có thông tin Hàn Quốc trực tiếp gửi vũ khí sát thương cho Ukraine.
Hàn Quốc gửi linh kiện cho pháo Krab dùng ở Ukraine
Ngày 8-3, ông Kim Hyoung Cheol, giám đốc phụ trách bộ phận châu Âu - châu Á tại Cục Hợp tác quốc tế (Hàn Quốc), nói với Reuters về việc Seoul phê chuẩn giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan.
Theo đó, từ năm ngoái, Hàn Quốc phê duyệt loại giấy phép này để cung cấp linh kiện sản xuất lựu pháo tự hành Krab.
Theo ông Kim, văn phòng kiểm soát công nghệ của Cơ quan Quản lý mua sắm quốc phòng (DAPA) đã xem xét và phê chuẩn việc chuyển giao trên.
"Chúng tôi xem xét mọi tài liệu và vấn đề có thể phát sinh trong DAPA… sau đó quyết định cấp giấy phép xuất khẩu cho Ba Lan", ông Kim nói với Reuters tại trụ sở DAPA ở ngoại ô Seoul.
Tại Ba Lan, nhà sản xuất thiết bị quân sự Huta Stalowa Wola là bên sản xuất các lựu pháo Krab. Hệ thống Krab là sự kết hợp giữa khung gầm pháo tự hành K9 Thunder của Hàn Quốc, tháp pháo BAE Systems của Anh, pháo 155mm Nexter Systems của Pháp, và hệ thống kiểm soát hỏa lực của Ba Lan.
Vào tháng 5-2022, Ba Lan đã gửi 18 lựu pháo Krab cho Ukraine. Hai bên cũng thỏa thuận cung cấp thêm hàng chục chiếc khác.
Nói cách khác, phát biểu của ông Kim là lần đầu tiên có thông tin từ phía Hàn Quốc xác nhận họ gián tiếp cung cấp thiết bị sản xuất vũ khí cho các nước dùng tại Ukraine.
Trong cuộc trao đổi với Reuters, ông Kim vẫn nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc là không gửi hệ thống vũ khí tới Ukraine.
Xuất khẩu vũ khí Hàn Quốc gia tăng trong giai đoạn xung đột Ukraine
Theo Reuters, từ năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Hàn Quốc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Putin cho rằng quyết định này sẽ hủy hoại quan hệ ngoại giao Hàn Quốc - Nga.
Tuy nhiên như đã nói, Hàn Quốc đến nay chưa công khai gửi vũ khí cho Ukraine. Vào thời điểm đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định không cung cấp loại vũ khí nào và chính quyền của ông cũng không có kế hoạch thay đổi chính sách ấy.
Như vậy, Hàn Quốc vẫn tỏ ra thận trọng bất chấp áp lực từ Mỹ và NATO. Trong chuyến thăm Hàn Quốc hồi tháng 1-2023, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng thúc giục Hàn Quốc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Một nguồn tin ngoại giao phương Tây nói với Reuters: "Chúng tôi dĩ nhiên cho rằng Hàn Quốc nên hành động nhiều hơn, và chúng tôi đã thường xuyên giữ liên lạc về vấn đề này với chính quyền Tổng thống Yoon".
Theo chuyên gia quân sự Yang Uk (Viện nghiên cứu chính sách Asan, Seoul), lãnh đạo DAPA có quyền quyết định xuất khẩu. Nhưng trong thực tế, điều này cũng phụ thuộc vào ý kiến của tổng thống và phải cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm vấn đề Triều Tiên.
Hàn Quốc được cho đã hưởng lợi từ việc châu Âu gấp rút tái vũ trang. Năm ngoái, nước này ký thỏa thuận vũ khí lên đến 5,8 tỉ USD với Ba Lan để cung cấp hàng trăm bệ phóng tên lửa Chunmoo, xe tăng K2, pháo tự hành K9, và máy bay FA-50.
Hôm 6-3, tờ Japan Times (Nhật Bản) cũng có bài viết về chuyện xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc. Theo đó, trong năm ngoái, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc tăng tới 140%, chạm mốc 17,3 tỉ USD. Trong số này có các thỏa thuận tỉ đô với Ba Lan, một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất.
Thay vì tự bán vũ khí sang Ukraine, phía Hàn Quốc chọn cách đáp ứng nhu cầu của các nước khác để tránh xung đột trực tiếp về ngoại giao với Nga.
Ngày 7-2, Mỹ phê duyệt thương vụ trị giá 10 tỉ USD bán bệ phóng tên lửa Himars và đạn dược cho Ba Lan.
Xem thêm: mth.87681005180303202-eniarku-o-gnud-hnah-ut-oahp-taux-nas-neik-hnil-pac-gnuc-couq-nah/nv.ertiout