Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 8/3 giảm 250.000 đồng/lượng so với ngày cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng trở lại 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,85 – 66,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 33,2 USD xuống 1.813,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi phục nhẹ và lên trên 1.815 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,72 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 8/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.632 đồng/USD, giảm 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.540 – 23.880 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 22.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã giảm nhẹ và đi ngang quanh 22.000 USD/BTC cho đến cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,20 USD (-0,26%), xuống 77,38 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,03 USD (-0,04%), xuống83,26 USD/thùng.
VN-Index lên gần 1.050 điểm
Chịu tác động từ đà sụt giảm của chứng khoán thế giới trong phiên trước khi Fed cho biết, có thể tiếp tục duy trì chính sách tăng mạnh lãi suất, chứng khoán Việt Nam giảm khá mạnh, có lúc mất hơn 10 điểm. Tuy nhiên, lực cầu nhập cuộc tích cực đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm.
Bước vào phiên chiều, lực cầu đã tích cực hơn, trong khi lực cung giá thấp được tiết giảm lại, giúp VN-Index bứt tốc và nhảy vọt lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa, vượt qua ngưỡng cản tại đường MA20 (1.047 điểm).
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 12,47 triệu đơn vị, giá trị mua ròng 260,98 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 8/3: VN-Index tăng 11,34 điểm (+1,09%), lên 1.049,18 điểm; HNX-Index tăng 1,18 điểm (+0,57%), lên 208,68 điểm; UPCoM-Index tăng 0,32 điểm (+0,42%), lên 76,49 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Ba (7/3), sau khi Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell nói rằng lãi suất có thể cần phải cao hơn trong thời gian dài hơn.
Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, người đứng đầu Fed cho biết, những dữ liệu kinh tế mới nhất cao hơn dự kiến cho thấy mức lãi suất cuối cùng mà cơ quan này áp dụng có thể sẽ cao hơn dự báo trước đó.
Nhận định này được ông Powell lần đầu tiên đưa ra kể từ khi chính phủ Mỹ công bố các số liệu cho thấy số lượng việc làm tăng cao và lạm phát bất ngờ tăng trở lại vào tháng 1.
Kết thúc phiên 7/3, chỉ số Dow Jones giảm 574,98 điểm (-1,72%), xuống 32.856,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 62,05 điểm (-1,53%), xuống 3.986,37 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 145,41 điểm (-1,25%), xuống 11.530,33 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng phiên thứ tư liên tiếp, do đồng yên yếu đi so với đồng USD làm tăng triển vọng cho các nhà xuất khẩu.
Cổ phiếu của các nhà bán lẻ cũng tăng nhờ sự lạc quan về sự trở lại của khách du lịch Trung Quốc chi tiêu lớn, sau khi Nhật Bản mở cửa trở lại biên giới trong tháng này.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,48% lên 28.444,19 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,3% lên 2.051,21 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản tăng tích cực, ngay cả khi hầu hết các thị trường châu Á khác đều giảm sau khi chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đưa ra bình luận về khả năng Fed quay trở lại các đợt tăng lãi suất lớn hơn.
Điều đó đã khiến lợi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ cao hơn, đồng đô la cũng cao hơn so với đồng yên. Đồng tiền Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba tháng ở mức 137,90Yên đổi một USD, thúc đẩy giá trị doanh thu ở nước ngoài tại các nhà sản xuất ô tô và các công ty đa quốc gia khác.
Phiên này, cổ phiếu Mazda đã tăng 2,98% để trở thành một trong năm công ty hoạt động hàng đầu của Nikkei 225, cổ phiếu lớn Fast Retailing tăng 1,81% để trở thành hỗ trợ lớn nhất, đóng góp 54 điểm vào mức tăng 135 điểm của Nikkei 225.
Trong khi đó, các nhà điều hành cửa hàng bách hóa là những mã cổ phiếu tăng giá hàng đầu trên Nikkei, với Takashimaya Co., Isetan Mitsukoshi Holdings và J. Front Retailing, mỗi công ty tăng khoảng 4,4%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, cũng ảnh hưởng bởi việc Fed có thể sẽ cần tăng lãi suất nhiều hơn dự kiến.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,05% xuống 3.283,25 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,36 xuống 4.034,11 điểm.
“Với việc các ngân hàng trung ương quyết tâm bảo vệ uy tín của mình, lãi suất có thể tăng cao hơn và duy trì lâu hơn so với kỳ vọng của thị trường hiện nay, đặc biệt là ở Mỹ và Anh,” Matthew Quaife, người đứng đầu bộ phận Quản lý Đầu tư Đa tài sản Châu Á tại Fidelity International cho biết,
“Chúng tôi tin rằng việc thắt chặt tích lũy này sẽ dẫn đến tăng trưởng chậm hơn và cuối cùng là dẫn đến suy thoái theo chu kỳ ở Mỹ, Châu Âu và Vương quốc Anh vào cuối năm nay hoặc năm sau”.
Căng thẳng Trung-Mỹ gia tăng cũng đè nặng lên tâm lý thị trường.
Trung Quốc hôm thứ Tư cho biết họ “quan ngại sâu sắc” về kế hoạch “quá cảnh” của người đứng đầu Đài Loan bà Thái Anh Văn và đã yêu cầu Washington làm rõ, trong bối cảnh có tin bà sẽ gặp Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại Mỹ.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc khi chịu tác động mạnh bởi việc Fed diều hâu hơn.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 2,34% xuống 20.051,25 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 2,68% xuống 6.727,18 điểm.
Các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông giảm 3,2%, với Alibaba và Tencent lần lượt giảm 3,2% và 2%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, sau những bình luận diều hâu của Chủ tịch Fed, làm dấy lên lo ngại rằng việc thắt chặt tiền tệ của Fed sẽ trở nên quyết liệt hơn.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 31,44 điểm, tương đương 1,28% xuống 2.431,91 điểm.
Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc hôm thứ Tư cho biết chính phủ sẽ tăng cường hợp tác với Mỹ về ngoại hối, nhưng không đưa ra chi tiết.
“Nhận xét của Powell có phần diều hâu hơn dự kiến,” nhà phân tích Lee Kyoung-min của Daishin Securities cho biết. “Những lo lắng về chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục gây ra biến động trên thị trường, trước dữ liệu việc làm và lạm phát của Mỹ”.
Kết thúc phiên 8/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 135,03 điểm (+0,48%), lên 28.444,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 1,85 điểm (-0,05%), xuống 3.283,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 483,23 (-2,35%), xuống 20.051,25 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 31,44 điểm (-1,28%), xuống 2.431,91 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Lãi vay hạ nhiệt chậm, người mua nhà sốt ruột tìm cách tất toán
Không thể chờ đợi lãi suất cho vay hạ nhiệt theo lãi suất huy động, nhiều người mua nhà tìm mọi cách xoay xở tất toán nợ, vì không chịu nổi áp lực..>> Chi tiết
- Cổ phiếu năng lượng tái tạo “hụt hơi”
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo có diễn biến giảm giá mạnh hơn thị trường..>> Chi tiết
- Tin tốt về nền kinh tế có thể là tin xấu cho thị trường chứng khoán
Một giai đoạn tăng trưởng kinh tế rất chậm nếu không muốn nói là suy thoái dường như vẫn có thể xảy ra. Nhưng nếu tăng trưởng tăng lên, lãi suất sẽ phải tăng hơn nữa và đó là tin xấu cho thị trường chứng khoán..>> Chi tiết
- Gỡ rối cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Sửa nghị định chỉ là điều kiện cần
Về cơ bản, điều kiện cần nhất để giải quyết câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp là dòng tiền thật vào mua trái phiếu và niềm tin..>> Chi tiết
- Chủ tịch Powell: Lãi suất có khả năng tăng cao hơn so với dự đoán trước đây
Hôm thứ Ba (7/3), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo rằng, lãi suất có thể sẽ tăng cao hơn so với dự kiến của các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương..>> Chi tiết