vĐồng tin tức tài chính 365

Lý do bão sa thải công nghệ chưa là dấu hiệu suy thoái ở Mỹ

2023-03-09 07:36

Trước đây, khi Mỹ bước vào thời kỳ suy thoái, sự yếu kém thường bắt đầu ở một lĩnh vực và sau đó lan rộng như đám cháy, kéo theo nhiều ngành lao dốc. Suy thoái năm 2001 và giai đoạn 2007-2009 là ví dụ.

Bong bóng Internet, viễn thông xì hơi vào đầu những năm 2000 và sau đó là cuộc khủng hoảng vay mua nhà vào giữa những năm 2000 gây thiệt hại cho các công ty tài chính, chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Điều đó cuối cùng đã dẫn đến suy thoái kinh tế và sa thải trên diện rộng.

Tuy nhiên, lịch sử kinh tế gần đây dần khác đi. Một số "vụ cháy" trong ngành không lan ra ngoài. Vào 2015, ngành khai thác dầu đá phiến sụp đổ đã ảnh hưởng lớn đến toàn ngành năng lượng Mỹ, nhưng kinh tế vẫn duy trì chuỗi tăng trưởng dài kỷ lục.

Tương tự những năm 2000, khi công nghệ và bất động sản chao đảo. Thông báo sa thải gần đây của các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Microsoft, Facebook gây ra vài nghi ngại. Tuy nhiên, về tổng thể, lao động trong ngành công nghệ thông tin Mỹ nói chung không đổi, vẫn ở mức 3,1 triệu người, trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 1/2023. Trong đó mảng phần mềm có sụt giảm nhỏ nhưng tổng số việc làm tăng.

Nhiều đợt cắt giảm hơn có thể xảy ra khi các giám đốc điều hành công nghệ giảm chi phí để đối phó với lãi giảm. Lợi nhuận của các công ty công nghệ trong S&P 500 trong quý IV đã giảm 8,4% so với cùng kỳ 2021. Đây chính là hiệu suất kém nhất kể từ năm 2009, theo nhà theo dõi dữ liệu kinh doanh Refinitiv.

Joanie Bily, Chủ tịch công ty nhân sự RemX, cho biết việc sa thải nhân viên ngành công nghệ đang trở thành tin tức thu hút nhưng nó không phổ biến trên toàn thị trường lao động. Ông nói cắt giảm việc làm "đang rất tập trung vào lĩnh vực công nghệ và các công ty được hưởng lợi nhiều nhất trong đại dịch".

Các hãng công nghệ Mỹ đang có những đợt sa thải nhân sự được điểm danh bằng logo trên thùng carton. Đồ họa: Forbes

Các hãng công nghệ Mỹ đang có những đợt sa thải nhân sự được điểm danh bằng logo trên thùng carton. Đồ họa: Forbes

Thực tế, các dữ liệu mới nhất về thị trường việc làm cho thấy nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn đang tăng trưởng với tốc độ lành mạnh. Trong sáu tháng tính đến tháng 1/2023, lương trong 72% ngành được Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động Mỹ theo dõi tiếp tục mở rộng.

Con số này đã giảm so với mức cao đặc biệt 90% vào tháng 3/2022 nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 62% trong ba thập kỷ qua. Ngược lại, trong 4 cuộc suy thoái vừa qua ở Mỹ, số lượng ngành có lương giảm vượt quá số có lương tăng.

Vào tháng 1/2023, Mỹ tạo thêm 517.000 việc làm mới, vượt xa mức tăng 260.000 của tháng 12. Theo dự báo của FactSet, số việc làm mới tháng 2 sẽ là 208.000. Thông tin chính thức sẽ được Bộ Lao động Mỹ công bố vào 10/3.

Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ định nghĩa suy thoái là sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế, lan rộng khắp nền kinh tế và kéo dài hơn vài tháng. Do đó, sự sụt giảm trong một hoặc hai lĩnh vực thường không đủ điều kiện.

Trong những năm gần đây, tiền tiết kiệm của các hộ gia đình đã được hỗ trợ bởi các lần phát tiền của chính phủ. Các doanh nghiệp ngoài ngành công nghệ vẫn tiếp tục tuyển dụng ngay cả khi doanh số bán hàng chậm lại. Điều đó dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng lương và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Chúng cung cấp động lực hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế.

Cho đến nay, lĩnh vực công nghệ đang trải qua chu kỳ của riêng nó. Ngành này bùng nổ trong đại dịch, khi mọi người chuyển sang mua sắm và giải trí trực tuyến. Sau đó, khi nền kinh tế bình thường hóa, nhiều công ty công nghệ phát hiện ra rằng họ đã tuyển dụng quá nhiều. Trong khi, bất động sản mới được cho là có khả năng xảy ra nhiều rủi ro hơn khi Fed tiếp tục tăng lãi suất.

Cuộc khảo sát hai tháng một lần của Cục điều tra dân số Mỹ đối với 200.000 doanh nghiệp vào tháng 2 cho biết các nhà quản lý ở 16 trong số 19 ngành tin rằng các điều kiện kinh doanh vẫn ở mức trên trung bình.

Thậm chí, trong buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 7/3, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết các số liệu kinh tế mới nhất mạnh hơn dự kiến, cho thấy lãi suất có thể lên cao hơn. "Nếu các số liệu cho thấy có thể thắt chặt hơn, chúng tôi sẽ chuẩn bị tăng tốc nâng lãi", ông nói.

Tất nhiên, Mỹ vẫn có những áp lực suy thoái. Đầu tiên, bức tranh lợi nhuận đã đưa ra dấu hiệu cảnh báo. Trong 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 được Refinitiv theo dõi, 9 lĩnh vực có lợi nhuận giảm trong quý gần nhất.

Nếu một loạt các công ty ngày càng mở rộng phản ứng với việc giảm lợi nhuận bằng cách cắt việc làm, làm tê liệt chi tiêu tiêu dùng, điều đó có thể gây ra suy thoái. Refinitiv dự đoán lợi nhuận tiếp tục giảm trong nửa đầu năm, với các ngành gặp khó nhất bao gồm hàng tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, vật liệu và chăm sóc sức khỏe.

Thứ hai là rủi ro từ việc Fed tăng lãi suất để làm chậm tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát, giống như trước các cuộc suy thoái năm 2001 và 2007-2009. Tác động của việc Fed thắt chặt chính sách có xu hướng thấm vào tất cả bộ phận của nền kinh tế.

Các nhà phân tích tại Moody's Investors Service tìm thấy một số bằng chứng cho thấy một loạt các ngành công nghiệp dù đang mở rộng vẫn có thể gặp phải những thách thức trong việc trả nợ trong 12 đến 18 tháng tới khi lãi suất tăng và các khoản nợ đến hạn. Chúng bao gồm: bán lẻ, ôtô, vận chuyển, hóa chất, khai thác mỏ và lâm nghiệp. "Những thay đổi trong triển vọng của ngành báo hiệu sự phục hồi đang suy yếu", theo báo cáo của Moody.

Phiên An (theo WSJ)

Xem thêm: lmth.9209754-ym-o-iaoht-yus-ueih-uad-al-auhc-ehgn-gnoc-iaht-as-oab-od-yl/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lý do bão sa thải công nghệ chưa là dấu hiệu suy thoái ở Mỹ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools