Số liệu của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến giữa năm 2022, Đài Loan đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Các dự án của Đài Loan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và bất động sản. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Đài Loan đứng thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư.
Còn theo dữ liệu Savills Việt Nam tổng hợp, riêng trong năm 2022, vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất từ Đài Loan (Trung Quốc) đạt hơn 215 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của thị trường này vào Việt Nam lên hơn 1,35 tỷ USD.
Theo Savills, Đài Loan có một lịch sử đầu tư lâu dài tại Việt Nam suốt hơn 30 năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản. Trong những năm đầu tiên Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa với FDI, chi phí lao động thấp là động lực quan trọng giúp thu hút các nhà sản xuất lớn của Đài Loan trong lĩnh vực may mặc và giày dép gia nhập thị trường. Ngày nay, khi các nhà đầu tư này tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam, dòng vốn mới từ các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao từ Đài Loan hay Ấn Độ theo đó cũng xuất hiện nhiều hơn.
"Thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều dự án thành công được phát triển bởi các nhà đầu tư Đài Loan như Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hay dự án Royal Centre và Khách sạn Nikko Hotel của Công ty Fei-Yueh”, ông Neil MacGregor nói.
Trong một sự kiện được Savills tổ chức tại Đài Loan mới đây đã thu hút sự tham gia của gần 100 nhà đầu tư, đại diện cho các quỹ đầu tư, nhà phát triển bất động sản, định chế tài chính, công ty bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư gia đình (Family Office) … Sự kiện cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư Đài Loan với môi trường đầu tư Việt Nam nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.
Theo Savills, các nhà đầu tư Đài Loan hiện đang quan tâm nhiều đến các vấn đề về pháp lý, thuế và cách thức, quy trình đầu tư, các cơ cấu, cấu trúc đầu tư và các loại hình đầu tư vào Việt Nam và các phân khúc bất động sản phù hợp.
Savills đánh giá, thế mạnh của các nhà đầu tư Đài Loan khi bước vào thị trường Việt Nam là nguồn lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm kinh doanh và phát triển sản phẩm, nguồn khách hàng có sẵn và chi phí tài chính thấp hơn. Đây là một sự kết hợp rất tốt giữa các doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay.
Theo Savills, các nhà đầu tư thuộc nhóm ngành sản xuất, công nghiệp và quỹ đầu tư gia đình là những đơn vị thể hiện sự hứng thú đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc bất động sản công nghiệp và thương mại
Xem thêm: lmth.895613tsop-man-teiv-hciht-naol-iad-ut-uad-ahn/nv.naohkgnuhchnahnnit.www