Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, thường được gọi là thỏa thuận ngũ cốc, do Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, đạt được hồi tháng 7-2022.
Về cơ bản, thỏa thuận ngũ cốc gồm hai phần, một là đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc an toàn cho Ukraine và hai là dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu của Nga.
Sáng kiến nhằm ngăn chặn khủng hoảng lương thực toàn cầu bằng cách cho ngũ cốc Ukraine được xuất khẩu an toàn từ ba cảng do Nga kiểm soát.
"Phần đầu đang được thực hiện. Chúng tôi đang thực hiện tất cả nghĩa vụ của mình trong vấn đề này cùng với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ. Phần thứ hai hoàn toàn không được thực hiện", Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu trong cuộc họp ngày 9-3.
"Nếu là thỏa thuận, đó phải là một thỏa thuận trọn gói. Bạn chỉ có thể gia hạn những gì đã được thực hiện. Nếu gói này được thực hiện chỉ một nửa, vấn đề gia hạn sẽ trở nên khá phức tạp", ông Lavrov bất bình.
Theo Hãng tin Reuters, phát ngôn của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho thấy Nga không mặn mà gia hạn thỏa thuận sẽ hết hạn vào tuần tới này.
Thỏa thuận đã được gia hạn thêm 120 ngày hồi tháng 11-2022, và sẽ được gia hạn vào ngày 18-3 nếu không có bên nào phản đối.
Nga đang ra tín hiệu sẽ chỉ đồng ý gia hạn thỏa thuận ngũ cốc nếu các hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Nga được dỡ bỏ.
Mặc dù xuất khẩu nông sản của Nga không bị phương Tây nhắm mục tiêu rõ ràng, Nga cho biết các biện pháp trừng phạt liên quan đến các khoản thanh toán, hậu cần và bảo hiểm là rào cản cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này.
Trước đây, Nga cũng chỉ trích rằng ngũ cốc Ukraine xuất khẩu lương thực theo thỏa thuận ngũ cốc thay vì đến các nước nghèo bị khủng hoảng lương thực thì lại đến các nước giàu.
Theo Hãng tin Reuters, tuần tới, bà Rebeca Grynspan, quan chức thương mại hàng đầu của Liên Hiệp Quốc, sẽ thảo luận về Thỏa thuận ngũ cốc với các quan chức của Nga tại Geneva.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã có cuộc hội đàm tại Kiev hôm 8-3 về việc gia hạn.
Ông Guterres nói với các phóng viên: "Xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Ukraine cũng như của Nga rất cần thiết cho an ninh lương thực toàn cầu và ổn định giá lương thực".
Điện Kremlin cho biết hiện không có kế hoạch đàm phán trực tiếp giữa ông Guterres và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo Liên Hiệp Quốc, Ukraine đã xuất khẩu hơn 23 triệu tấn ngô và lúa mì chủ yếu theo thỏa thuận ngũ cốc. Các điểm đến chính của các lô hàng là Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Hà Lan.
TTO - Ngày 30-10, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương kêu gọi Nga khẩn trương nối lại thỏa thuận cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres dời lịch công tác để tập trung vào vấn đề này.
Xem thêm: mth.65374942290303202-coc-ugn-nauht-aoht-nah-aig-am-nam-gnohk-ueih-nit-nab-agn/nv.ertiout