Theo Hãng tin Reuters, do bom đạn chiến tranh, không chỉ quân nhân, người dân thường cũng bị thương mất tay, chân rất cần phục hồi chức năng.
Bác sĩ Satish Mishra của văn phòng khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các vụ tấn công vào cơ sở y tế, thiếu nhân viên y tế và thiếu điện đã khiến việc cung cấp dịch vụ y tế ở Ukraine gặp khó khăn. Nhiều người không được chăm sóc y tế.
Bác sĩ Cathal Morgan, một chuyên gia khác của WHO, cho biết: trước chiến tranh, năm 2019, khoảng một nửa dân số ở Ukraine có thể phải cần dịch vụ phục hồi chức năng với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch hoặc tiểu đường.
Theo ông, kể từ đó, đại dịch COVID-19 và chiến tranh đã làm gia tăng đáng kể nhu cầu về các dịch vụ phục hồi chức năng.
"Nhu cầu này rất cấp bách hiện nay", ông Morgan nói.
Gần đây, ngày 17-2, WHO kêu gọi bổ sung viện trợ tài chính cho Ukraine để hỗ trợ hệ thống y tế nước này.
Phát biểu họp báo trực tuyến từ thành phố Zhytomyr của Ukraine, giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge, cho biết Ukraine cần thêm ngân sách để đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và phục hồi chức năng, cũng như đảm bảo người dân có thể tiếp cận các dịch vụ y tế.
WHO đã nâng mức kêu gọi viện trợ trong năm nay lên 240 triệu USD, gồm 160 triệu USD cho Ukraine và 80 triệu USD cho quốc gia tiếp nhận người tị nạn Ukraine. Với khoản tiền này, 13,6 triệu người có thể được hỗ trợ về y tế.
Giám đốc WHO châu Âu cho biết hiện ở Ukraine có gần 10 triệu người có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và đang thiếu thuốc cùng trang thiết bị y tế. Cũng theo ông, hệ thống y tế của Ukraine có khả năng phục hồi đáng kể, bất chấp tác động của xung đột.
Nga nói rằng báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine mang động cơ chính trị, còn Mỹ cáo buộc Nga gây thiệt hại 'không diễn tả được' cho dân thường.
Xem thêm: mth.3493959190303202-gnan-cuhc-ioh-cuhp-nac-eniarku-o-iougn-nagn-gnah-ohw/nv.ertiout