Ông Trần Hữu Minh cho biết theo thống kê của Cục CSGT năm 2022, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) từ 10 giờ đêm tới 4 giờ sáng hôm sau chiếm xấp xỉ 18%.
Liên tục gần đây có nhiều vụ TNGT xảy ra vào ban đêm. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân các vụ tai nạn cụ thể do cơ quan CSGT điều tra làm rõ. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ tai nạn vào khung giờ đêm ở mức cao, điều này xuất phát từ bản chất của giao thông trong khung giờ ban đêm.
Thứ nhất, tầm nhìn kém nên chắc chắn khả năng quan sát, phản ứng của người lái xe và của người tham gia giao thông trên đường sẽ chậm hơn. Lái xe cũng không thể nhìn xa, không thể nhìn rõ như ban ngày nên khi vượt xe hoặc vào các khúc cua thì mức độ nguy hiểm tăng lên rất cao. Chưa kể nếu đường núi thì còn có mây mù, sương mù khiến tầm nhìn thêm hạn chế, chỉ mệt mỏi mất tập trung 2 - 3 giây là xe lao xuống vực ngay.
Hai là đặc điểm sinh lý của cơ thể con người, đây là thời gian nghỉ của cơ thể, lúc đó người lái rất dễ buồn ngủ, mệt mỏi... nên nhận thức, phản ứng, mức độ tập trung cơ bản chậm hơn ban ngày. Người lái có thể dễ dàng nhầm xe đỗ phía trước là một xe đang chạy.
Thứ ba là lưu lượng giao thông thấp, đường vắng nên lái xe có tâm lý đi tốc độ cao hơn, đây cũng là lý do cộng hưởng dẫn tới các vụ TNGT. Ngoài ra, ban đêm sự xuất hiện của lực lượng chức năng cũng ít hơn, khiến lái xe có tâm lý vi phạm các quy tắc do họ nghĩ sẽ không bị xử phạt...
Có ý kiến cho rằng nên cấm xe khách chạy vào khung giờ đêm (từ 0 - 4 giờ sáng là giờ dễ gây buồn ngủ) vì mục tiêu đảm bảo an toàn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, có nên cấm hay không và nếu không cấm thì cần tăng cường giải pháp nào để lái xe ban đêm được an toàn?
Có 2 vấn đề cần làm rõ: một là xem xét việc thực thi các quy định hiện hành đã tốt hay chưa? Hai là nếu thực thi tốt, thực chất rồi thì xem lại các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu gì để bổ sung.
Hiện có rất nhiều giải pháp về hạ tầng, tổ chức giao thông, phương tiện, người lái, kỹ năng... có thể siết chặt thực hiện cũng như tuyên truyền... để nâng cao an toàn giao thông (ATGT) vào khung giờ ban đêm. Các cơ quan quản lý tại địa phương có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các giải pháp này.
Đặc biệt, cần sớm tăng cường năng lực và thiết bị để có thể giám sát, cảnh báo, nhắc nhở, xử phạt kịp thời các hành vi vi phạm thời gian lái xe, đặc biệt qua thông tin từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe kinh doanh vận tải. Đồng thời tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, phạt nguội, đặc biệt về tốc độ, kể cả vào ban đêm, cũng sẽ giúp nâng cao ATGT trong khung giờ này.
Về phía DN, người dân thì do giao thông ban đêm có những rủi ro cao hơn, nên khuyến cáo đối với tất cả lái xe tuyệt đối tuân thủ quy tắc giao thông và lái ở mức độ cẩn trọng hơn (càng ban đêm càng nguy hiểm). Luôn đi tốc độ thấp hơn (nhiều quốc gia quy định tốc độ ban đêm tự động phải thấp hơn ban ngày). Hiện pháp luật VN chưa quy định điều này, người lái hoàn toàn có thể chủ động điều khiển xe ở tốc độ thấp hơn tốc độ ban ngày để nhận diện và kịp phản ứng với các tình huống trên đường.
Với lái xe, một vấn đề rất quan trọng là phải chuẩn bị thể lực, ăn uống đủ dinh dưỡng, ngủ đủ. Người lái có thể dùng các thiết bị chống buồn ngủ, uống trà và cà phê để tăng cường mức độ tỉnh táo..., nhưng cần lưu ý những hỗ trợ này chỉ có tác dụng trên nền tảng cơ thể khỏe mạnh. Bởi vậy ăn - ngủ - nghỉ đầy đủ là tối quan trọng với người lái xe trước chuyến đi ban đêm. Tuyệt đối không sử dụng rượu bia trước chuyến đi.
Dù pháp luật quy định không lái liên tục quá 4 tiếng, nhưng nếu thấy cung đường ban đêm phức tạp có thể chỉ lái 2 tiếng sau đó nghỉ, uống thêm các đồ uống nóng có nhiều dinh dưỡng và tăng sự tỉnh táo trước khi lái tiếp... Bộ phận quản lý ATGT của DN cần quản lý chặt hơn thời gian làm việc của lái xe vào khung giờ ban đêm.