Chủ tịch QH cho biết qua theo dõi việc góp ý xây dựng luật cho thấy nhiều kiến nghị cụ thể về giải thích từ ngữ. Do đó, các cơ quan cần có mục riêng về nội dung này để làm rõ các khái niệm, thống nhất cách hiểu, cách làm. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến góp ý về quy định liên quan vai trò của Nhà nước, nhất là minh định giữa vai trò là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và là một chủ thể sử dụng đất; hay nhóm vấn đề về quy hoạch, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Cùng với đó là vấn đề thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, bảng giá đất, vấn đề giá đất sát với giá thị trường…
Chủ tịch QH cũng lưu ý rà soát đối với những nội dung, những vấn đề đã có kết luận của T.Ư Đảng thì "không bàn lại, tránh làm phức tạp thêm vấn đề".
Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết các nội dung được Chủ tịch QH đề cập là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý. Trong đó, có những vấn đề khó thể chế hoặc khó khả thi, hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan của QH và Chính phủ cần tiếp tục thảo luận, làm rõ để đưa ra được phương án tối ưu.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ lưu ý: "Tinh thần là phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân, gạn đục khơi trong, không để có một ý kiến nào không được tổng hợp, không có ý kiến nào không được giải trình".
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi được tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ 3.1 - 15.3. Theo dự kiến, QH sẽ cho ý kiến lần 2 đối với dự án luật này tại kỳ họp tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp cuối năm.
Sáng 9.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp của Đảng đoàn Quốc hội cho ý kiến dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật (Quy định).
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật không chỉ là Quốc hội giám sát Chính phủ mà nhiều cơ quan, chủ thể phải cùng giám sát lẫn nhau để bảo đảm phòng, chống được tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Quy định này cũng chỉ nên tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, không bàn rộng ra khâu tổ chức thực hiện pháp luật; đồng thời chú trọng cả quy định "phòng" lẫn "chống", có chế tài cụ thể, rõ ràng để bảo đảm kiểm soát quyền lực hiệu quả.