Có nhiều phương tiện giám sát...
Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ VN (Bộ GTVT), để giảm tai nạn giao thông (TNGT), nhất là khung giờ nửa đêm về sáng liên quan xe kinh doanh vận tải, Cục Đường bộ VN đã yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của phương tiện qua thiết bị giám sát hành trình (GSHT), camera trong quá trình hoạt động của phương tiện.
Theo đó, các doanh nghiệp (DN) vận tải phải có trách nhiệm cảnh báo kịp thời, xử lý lái xe khi có vi phạm. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) theo quy định để quản lý chặt chẽ phương tiện, lái xe.
Ông Thủy cho biết dữ liệu trên xe được truyền về máy chủ của đơn vị vận tải và được truyền tiếp về Cục Đường bộ. Hệ thống dữ liệu của Cục Đường bộ được truyền cho các Sở GTVT địa phương. Cục Đường bộ có trách nhiệm xây dựng, vận hành hệ thống cho các sở GTVT địa phương quản lý DN vận tải. DN và các sở GTVT hoàn toàn có thể giám sát các xe trên hệ thống trực tuyến, gồm vị trí, tốc độ, hành trình của phương tiện theo địa giới hành chính và theo thẩm quyền quản lý. Đồng thời hệ thống còn có chức năng báo cáo phương tiện chạy quá tốc độ, vi phạm thời gian lái xe, không truyền dữ liệu và trích xuất theo ngày hoặc theo một khoảng thời gian nhất định trong tháng.
Theo đó, các sở GTVT theo dõi, khai thác và sử dụng dữ liệu để chấn chỉnh kịp thời đối với các đơn vị kinh doanh vận tải và yêu cầu DN chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm của lái xe. Các sở GTVT không cần chờ đến khi hệ thống tổng hợp xong dữ liệu của tháng mới thực hiện trích xuất để xử lý vi phạm, mà có thể xử lý ngay khi phát hiện vi phạm.
Ông Thủy cũng cho biết Nghị định 10/NĐ-CP năm 2020 và Nghị định 100/NĐ-CP năm 2019 đã quy định rõ các hình thức xử phạt với cả lái xe và DN vận tải nếu vi phạm.
Thông tin thêm, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ), cho biết để quản lý lái xe và phương tiện có 2 hình thức: thiết bị GSHT và camera gắn trên xe kinh doanh vận tải. Về camera, tính đến hết năm 2022 đã có hơn 200.000 xe kinh doanh vận tải khách lắp đặt. Với camera, DN có thể quản lý lái xe và quan sát trên xe. Còn với thiết bị GSHT, cả DN và các sở GTVT có thể khai thác dữ liệu ngay để chấn chỉnh, nhắc nhở lái xe hoặc xử lý vi phạm.
Trước phản ánh về việc truy xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT khó khăn của một số sở GTVT địa phương, ông Thống cho hay hệ thống này được triển khai từ năm 2016, nhưng tới nay vẫn chưa được nâng cấp. Do đó, Cục Đường bộ đang đề xuất Bộ GTVT bố trí kinh phí để làm việc này.
"Hiện việc truy cập dữ liệu từ hệ thống hoàn toàn bình thường. Các Sở GTVT hoàn toàn có thể xác định hành trình hay số giờ lái xe hoạt động có quá 4 tiếng liên tục hay không, tốc độ xe...", ông Thống nói và cho rằng trách nhiệm quản lý từng lái xe trước hết thuộc về các DN, sau đó tới Sở GTVT các địa phương.
Nhưng thực thi lỏng lẻo
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, quy định hiện hành cấm tài xế chạy quá 4 giờ liên tục và quá 10 giờ trong ngày. Về việc có nên quy định khung giờ cấm đối với xe khách chạy ban đêm để đảm bảo an toàn giao thông hay không, thì một số nước có khung giờ cấm trong khoảng 3 tiếng ở khung giờ nửa đêm về sáng, bởi về mặt sinh học đây là khung giờ dễ phát sinh buồn ngủ nhất, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Tuy nhiên, việc cấm như thế nào, theo ông Quyền, cần cân nhắc kỹ. Nếu cấm thì cấm xe xuất phát khởi hành vào khung giờ sáng, hay xe đang lưu thông phải dừng lại khi đến khung giờ này? Nếu cấm hoàn toàn không cho xe lưu thông vào khung giờ nửa đêm về sáng thì ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội rất lớn. Vì ngoài xe khách còn xe vận tải hàng hóa, nếu cấm xe khách thì có cấm xe tải hay không? Trường hợp cấm xe vận tải hàng hóa trong khung giờ nửa đêm về sáng sẽ ảnh hưởng lớn đến lưu thông hàng hóa, gây gián đoạn trong hoạt động vận chuyển, sẽ có tác động tiêu cực.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn, giảm thiểu các vụ TNGT vào khung giờ nửa đêm về sáng, trên cơ sở các văn bản hiện hành, phải quản lý cho tốt. "Quy định của ta tương đối chặt, như lái xe không được lái liên tục quá 4 giờ, không quá 10 giờ/ngày. Quy định có rồi thì phải quản lý cho thực chất. Như hiện nay việc tổ chức thực hiện quy định còn lỏng lẻo, chưa giám sát chặt chẽ", ông Quyền nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng dẫn ra ví dụ, việc quản lý lái xe và phương tiện thông qua thiết bị GSHT, nhưng lâu nay chưa thấy xử lý, xử phạt lái xe vi phạm, trừ trường hợp các vụ TNGT.
"Các quy định đề ra trên giấy tờ thì chặt chẽ, nhưng thực tế việc thực thi lỏng lẻo, nên quan trọng nhất vẫn là khâu thực thi, giám sát. Nếu DN phát hiện lái xe vi phạm mà không nhắc nhở, xử phạt lái xe thì cơ quan quản lý là các sở GTVT, Cục Đường bộ có quyền xử phạt DN", ông Quyền nêu.
Khuyến cáo an toàn
Với lái xe cá nhân, cần hạn chế tối đa đi ban đêm nếu không cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi, nên có kế hoạch chi tiết cho chuyến đi (thông tin về lộ trình, các điểm dừng nghỉ…).
Các vụ tai nạn ban đêm cũng hay xảy ra vào các dịp lễ hội xuân, đợt nắng nóng kéo dài (hành khách đặt xe ban đêm hoặc lái xe có tâm lý chạy ban đêm cho nhanh, mát mẻ). Vì thế, người dân nên đặt các dịch vụ xe chạy ban ngày nếu có thể, chọn các nhà xe và các đơn vị cung ứng dịch vụ có uy tín trên thị trường.
Ngoài ra, người đi xe đạp nên có đèn, đi xe đạp và xe máy điện ban đêm nên mặc áo phản quang, xe tải nên có những dải phản quang ở sau xe và 2 bên... giúp cho các người lái khác có thể dễ dàng nhận ra mình từ xa. Những giải pháp này rất đơn giản nhưng đem lại hiệu quả rất thiết thực trong kéo giảm TNGT ban đêm.
Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trần Hữu Minh