Điện thoại, linh kiện dẫn đầu nhóm xuất khẩu tỉ USD
Theo Tổng cục Thống kê, trong hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 49,44 tỉ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng giá trị xuất khẩu hai tháng đầu năm 2023 với 89,8%.
Có 3 mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị xuất khẩu trên 5 tỉ USD là điện thoại và linh kiện ước đạt 9,4 tỉ USD (tăng 7,6%); điện tử, máy tính và linh kiện 6,9 tỉ USD (giảm 13,9%); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác 6,4 tỉ USD (giảm 1,6%).
Cũng theo thống kê, tính chung hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỉ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6% trong tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.
Nghiên cứu điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, phụ cấp hằng tháng
Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2023. Theo đó, giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình người lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm, nhất là tại các khu công nghiệp để có phương án hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.
Nghiên cứu, báo cáo Chính phủ việc ban hành nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng và việc sửa đổi, bổ sung nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24-7-2021 quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách về an sinh xã hội.
Đồng thời, Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đôn đốc thu, giảm nợ bảo hiểm xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giải quyết, chi trả kịp thời các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế…
Ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang mạng lừa đảo, phạm luật
Khoảng 78 triệu người dân Việt Nam (tương đương 79,1% dân số) làm việc, học tập, giải trí trên không gian mạng. Trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày.
Tuy nhiên trên không gian mạng, mỗi giây có khoảng 1.000 cuộc tấn công mạng và 5 mã độc mới được tạo ra cùng với 40 điểm yếu, lỗ hổng mới/ngày.
Mỗi người trung bình hứng chịu 3,5 cuộc tấn công mạng 1 năm. Riêng năm 2022, toàn cầu ghi nhận tới 480 triệu cuộc tấn công mã độc tống tiền…
Thông tin trên được Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra tại hội nghị tập huấn tăng cường kỹ năng an toàn thông tin cho người sử dụng trên không gian mạng, ngày 9-3.
Theo Cục An toàn thông tin, trong năm 2022 đơn vị đã chỉ đạo, điều phối, ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang mạng lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật. Trong đó có gần 1.500 trang lừa đảo trực tuyến.
Đồng thời, ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý hơn 12.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam; bảo vệ 4,87 triệu người dân (tương đương 6,96% người dùng Internet) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng...
Hàng ngàn lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật đất đai sửa đổi
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến nay, chỉ tính riêng số liệu trên website lấy ý kiến nhân dân của cơ quan soạn thảo (chưa tính số liệu của các địa phương), đã có trên 7.800 lượt ý kiến góp ý của hàng trăm tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật đất đai sửa đổi.
Cạnh đó, có 56 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp.
Qua tổng hợp bước đầu ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo luật.
Đồng thời đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Các ý kiến góp ý tập trung vào 11 nhóm nội dung như thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất…
TP.HCM khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật
Ban Đô thị HĐND TP.HCM cùng các đơn vị sở ngành liên quan thực hiện khảo sát về tình hình quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để chuẩn bị chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 4 với chủ đề "Quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật".
Trước đó, tại TP.HCM đã xảy ra một số sự cố về công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật khiến các công trình này phải đưa vào bảo trì, duy tu.
Điển hình như vụ đứt bó cáp ngầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh khiến cầu bị ngưng khai thác từ tháng 9-2022 đến tháng 3 năm nay; sự cố sà lan va chạm làm hư hỏng dầm biên nhịp chính cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1, hướng quận 12 đi TP Thủ Đức; sự cố thảm cỏ tại công viên bến Bạch Đằng hư hại sau lễ hội…
18 ca mắc COVID-19 mới
Bộ Y tế cho biết ngày 9-3 có 18 ca COVID-19 mới, tăng 10 ca so với thống kê ngày 8-3. Trong ngày có 2 bệnh nhân khỏi bệnh, còn 2 ca nặng đang điều trị.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.527.012 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.489 ca mắc).
Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi là 10.614.809 ca. Tổng số ca tử vong là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 5 chuyên ngành sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam) vừa khai mạc ngày 1-3.