Đây là hồi chuông cảnh báo người tập phải chọn bài tập phù hợp với thể trạng, không nên tập một mình và nắm vững các quy tắc an toàn.
Vậy tập làm sao để các bộ môn thể thao phát huy lợi ích cho sức khỏe và phòng tránh tối đa những chấn thương, tai nạn đáng tiếc xảy ra?
Chấn thương nặng: có người chết, người liệt chân
Sự việc chị N.H. (27 tuổi, ngụ TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tử vong tại phòng tập vào ngày 7-3 khiến nhiều người, đặc biệt là người tập luyện thể dục thể thao không khỏi bàng hoàng.
Tại hiện trường, chị H. bị dải dây tập bằng vải có đầu mối treo trên xà nhà thắt siết ngang bụng, hai chân sắp chạm tới mặt sàn. Được biết chị là người tập luyện yoga nhiều năm qua.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Lộc - khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - để làm rõ nguyên nhân cần có sự hỗ trợ của cơ quan pháp y.
Tuy nhiên, dựa vào những thông tin được cung cấp ở thời điểm hiện tại, có thể nghĩ đến nguyên nhân là do bụng của chị H. bị siết quá chặt.
Khi bụng bị siết, đồng nghĩa với việc động mạch chủ bụng bị tăng áp lực. Theo phản xạ cơ thể, nhịp tim giảm đi, hơi thở chậm dần khiến nạn nhân bị ngất.
Bên cạnh đó, nạn nhân đang trong trạng thái treo lơ lửng, không thể tự thoát ra dẫn đến hôn mê và tử vong.
Hiện tượng nêu trên không chỉ xảy ra ở bụng mà còn có thể xuất hiện ở vị trí khác, phổ biến nhất là ở vùng cổ.
Trường hợp khác là nam thanh niên 18 tuổi nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) trong tình trạng liệt vận động hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ, tê bì từ hai núm vú trở xuống sau tập gym.
Theo bác sĩ Lã Quang Thịnh, phó trưởng khoa chấn thương chỉnh hình bệnh viện, đây là một trường hợp hiếm gặp, bệnh nhân có thể gặp chấn thương do tập gym quá sức, sai tư thế. Tủy sống bị chèn ép bệnh nhân có nguy cơ bị liệt hai chi dưới phải ngồi xe lăn suốt đời.
Chấn thương vì vượt khả năng cơ thể chịu đựng
Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - chủ tịch Liên chi hội Y học thể dục thể thao TP.HCM, cho biết nguy cơ tai nạn, chấn thương ở bộ môn thể thao nào cũng có thể xảy ra nếu không tuân thủ các nguyên tắc trước, trong và sau tập.
Nhưng với các bộ môn thể thao có động tác khó hay phải tập ở cường độ cao, có tính đối kháng, mạo hiểm như boxing, cardio, leo núi, nhảy dù, đá bóng... thì chấn thương, tai nạn dễ xảy ra hơn.
Riêng nguy cơ bị chấn thương khi tập yoga, ông Nguyễn Thiện Tín, ủy viên Ban chấp hành Liên đoàn Yoga Việt Nam, cho hay ít so với những bộ môn đối kháng, điều này xảy ra chủ yếu do không khởi động kỹ, tập nóng vội, quá sức.
Theo nguyên tắc tập yoga, người tập nên chọn những bài tập phù hợp với độ tuổi, thể lực và cơ địa. Trước khi bắt đầu bài tập phải khởi động kỹ.
Trong lúc tập nên tập vừa sức và phải có huấn luyện viên để kiểm tra tư thế và điều chỉnh kịp thời nếu tư thế sai. Người huấn luyện phải biết cách sơ cứu chấn thương cho người tập.
"Trên mạng rất nhiều hình, video người tập yoga với những tư thế rất đẹp, khó. Nhiều chị em cũng muốn thực hiện được những tư thế như vậy, "đua nhau" tập theo dù mới bắt đầu học.
Đây là điều không nên, tập yoga cần quá trình rèn luyện. Nếu khởi động không kỹ, tập nóng vội, quá sức thì khả năng chấn thương rất cao", ông Thiện Tín cảnh báo.
Còn bác sĩ Lộc lưu ý: "Trong bộ môn yoga có những tư thế đòi hỏi kỹ thuật và độ dẻo dai, vì nếu không đáp ứng được các điều kiện này, người tập luyện có khả năng gặp phải tổn thương ở các khớp.
Ngoài ra, một loại tổn thương khác có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng người tập là chấn thương cột sống, đặc biệt là cột sống cổ".
Chọn bộ môn phù hợp thể trạng, tập vừa sức
Qua những trường hợp đáng tiếc khi tập luyện, bác sĩ Lộc nêu kinh nghiệm ít được quan tâm là cần phải cẩn thận ở các vị trí như bụng và cổ, vì những nơi này có các mạch máu lớn đi qua.
"Trong quá trình tập luyện, nếu tì đè (có thể là để tạ ở tư thế chờ khi tập gym hoặc treo dây khi tập yoga) ở các vị trí như bụng và cổ thì có nguy cơ làm giảm nhịp tim và nhịp thở, khiến người tập bị ngất đi và người gặp nạn có khả năng tử vong nếu không được phát hiện kịp thời", bác sĩ Lộc chia sẻ thêm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm y học thể thao Starsmec (từng là bác sĩ đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam), tại phòng tập gym có dụng cụ tập chuyên biệt cho từng người, từng mục đích tập.
Người tập cần đặc biệt chú trọng đến tập tạ, đây là một trong những dụng cụ dễ gây chấn thương. Các chấn thương dễ xảy ra nếu tập không đúng như chấn thương khớp cổ tay khi tập tạ, chấn thương lưng và đầu gối, chấn thương bắp tay trước, chấn thương khớp khuỷu tay, chấn thương khớp vai, rách cơ, đứt dây chằng.
Tập luyện thể thao an toàn cần lưu ý chọn bộ môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, nên ngừng tập luyện khi đang có chấn thương, cần bổ sung nước, điện giải trong quá trình tập luyện, lựa chọn trang phục phù hợp để tập luyện từng bộ môn.
Yoga dây chỉ phù hợp người đã tập lâu dài
Ông Nguyễn Thiện Tín cho hay bộ môn yoga có nguồn gốc từ Ấn Độ và xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm, phong trào tập yoga phát triển mạnh mẽ.
Riêng yoga dây (yoga bay) phổ biến 3-5 năm trở lại đây. Người tập thực hiện các động tác trên không cùng với dây được treo chắc chắn và cách mặt đất.
So với yoga truyền thống, yoga dây "kén" người tập do cần độ dẻo và mạnh, chỉ phù hợp với những người đã tập luyện lâu dài, có nền tảng.
Những người mới bắt đầu mà tập yoga dây sẽ rất chóng mặt, không thoải mái vì bị giới hạn trên không.
Nam thanh niên 18 tuổi nhập viện trong tình trạng liệt vận động hai chân, đại tiểu tiện không tự chủ, tê bì từ hai núm vú trở xuống sau tập gym.
Xem thêm: mth.17423553290303202-oaht-eht-iohc-iougn-o-gnov-ut-gnouht-nahc-oc-yugn/nv.ertiout