Đã có quá nhiều chất vấn từ cử tri về cao tốc Bến Lức - Long Thành, Bộ Giao thông vận tải cũng hứa hẹn nhưng hàng chục ngàn tỉ đồng vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt".
Nếu Bộ Công Thương có 12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ đồng thì cũng phải xem dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành là "đại dự án lãng phí" để xử lý, hạn chế phát sinh thêm hậu quả cho xã hội.
Mà nào chỉ có lãng phí, nhiều hình ảnh xấu xí vẫn đều đặn phát ra từ tình trạng sa lầy của dự án này: công trình hoang hóa, mất trộm thiết bị, nhà thầu kiện tụng ra tòa đòi khoản bồi thường, chủ đầu tư mất uy tín, người dân ngao ngán vì thấy làm đường nhưng mãi không có đường đi...
Nhưng lãng phí nhất đó là xã hội mất đi chi phí cơ hội, kìm hãm sự phát triển của vùng kinh tế, từ Đông qua Tây Nam Bộ, mà TP.HCM cũng là nạn nhân. Nếu có cao tốc này, đường ra Vũng Tàu tắm biển của trẻ miền Tây thênh thang, hàng hóa lưu thông giữa các vùng ít tốn kém, chắc chắn tăng trưởng kinh tế GDP của vùng sẽ khác, phát triển hơn, giàu có hơn.
Còn hiện nay, người và hàng hóa từ miền Đông và miền Tây không thể đến với nhau qua tuyến cao tốc này mà vẫn phải "quá cảnh" qua TP.HCM, "lụy" quốc lộ 1 và 51. Tại sao TP.HCM lại phải hứng chịu thêm dòng phương tiện giữa hai vùng Đông và Tây, càng làm cho nạn quá tải, ùn tắc tăng vọt? Tại sao chúng ta hô hào, đặt mục tiêu liên kết vùng mà tuyến đường cao tốc quan trọng nối miền Đông - TP.HCM - miền Tây lại bị sa lầy, đẩy giao thông của các địa phương trong vùng thêm ngột ngạt?
Tuyến cao tốc này sa lầy bởi quá nhiều lý do, nhưng đều liên quan đến thủ tục. Chính vì sự chuẩn bị không kỹ càng của cơ quan chức năng, thay đổi về quản lý vốn (từ Bộ Giao thông vận tải sang Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) nhưng không lường hết rắc rối để điều chỉnh cho phù hợp. Khi có phát sinh vướng mắc lại không quyết liệt giải quyết dẫn đến không có vốn đối ứng trong nước, dự án đình trệ dẫn đến vỡ thời hạn vay vốn nước ngoài, phải đàm phán lại. Cứ thế rối chồng lên rối.
Gần đây, dù đã được tháo gỡ từ cấp có thẩm quyền, nhưng triển khai sau đó từ các cơ quan chức năng vẫn chưa thể giúp dự án chạy nước rút. Khởi động lại dự án, cam kết hết sa lầy, ngày khai thác là cuối năm 2023 nhưng rồi lại xin lùi đến 2025! Liệu đó đã là mốc cuối cùng trong khi mốc hoàn thành đầu tiên là 2019? Cứ thế này là khó.
Cần nhắc thêm rằng, đường cao tốc này là một phần của hệ thống hạ tầng vùng kinh tế khi sân bay Long Thành vận hành. Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sa lầy, không chỉ thêm quá tải cho hạ tầng ở TP.HCM và khu vực mà khổ dắt dây đến sân bay Long Thành. Không khéo lại thêm thắt cổ chai nếu sân bay này thi công và khai thác giai đoạn 1 đúng tiến độ nhưng lại không có đường thoát ra.
Những gì diễn ra ở dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có xứng đáng gọi là "đại dự án lãng phí"? Chúng ta không muốn có thêm "đại án" nào cả nhưng nên gọi đúng tên để mổ xẻ, giải quyết, chấn chỉnh. Không thể để "đại dự án lãng phí" này kéo dài mãi. Phải đưa hàng chục ngàn tỉ đồng đã bỏ ra thành đường cho người dân đi, cho phát triển kinh tế, cho dân làm giàu.
Cần phải xác định địa chỉ cụ thể nơi chịu trách nhiệm và trả lời cho người dân khi nào tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành thông xe.
Có xác định "đại án", cử tri mới có thể giám sát, quy trách nhiệm những cơ quan đã "duy trì sự sống" cho "đại dự án lãng phí" kéo dài.
Nhiều năm qua, do gặp vướng mắc về vốn, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành hơn 31.000 tỉ đồng ‘đứng hình’, vậy tình hình dự án đang ra sao và khi nào tái khởi động?
Xem thêm: mth.66150409001303202-ihp-gnal-na-ud-iad-hnaht-gnol-cul-neb-cot-oac/nv.ertiout