Bộ Giao thông vận tải cho biết như vậy trong công văn gửi Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình cung ứng vật liệu cho các dự án đường cao tốc.
Theo Bộ Giao thông vận tải, 12 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã và sắp khởi công nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km.
Đây là các dự án quan trọng quốc gia được Chính phủ cho phép thực hiện một số cơ chế đặc thù trong cấp phép, khai thác vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Theo báo cáo của các cơ quan chủ quản và tư vấn, hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ các dự án đã được thực hiện đầy đủ, đảm bảo trữ lượng, chất lượng. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vật liệu phục vụ thi công đang gặp các khó khăn, vướng mắc như:
Mặc dù trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhưng hầu hết các mỏ đang khai thác với công suất chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.
Thủ tục giao các mỏ đất, cát đã quy hoạch, chưa khai thác cho nhà thầu đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhưng các địa phương còn lúng túng, vướng mắc về thủ tục nên chưa cấp phép cho nhà thầu.
Hầu hết chủ sở hữu đất khu vực mỏ đều đưa ra mức giá chuyển nhượng, thuê đất cao hơn so với mức giá quy định về bồi thường cây cối, tài sản trên đất.
Các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều thiếu nguồn cát đắp nền do các địa phương dành phần lớn các mỏ để phục vụ cho nhu cầu đầu tư các dự án của địa phương.
Một số địa phương thông báo giá vật liệu chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường, so với các tỉnh lân cận (quá cao hoặc quá thấp). Một số dự án bắt đầu thi công đã có hiện tượng các nhà cung ứng bán vật liệu với giá cao hơn nhiều so với mức giá do địa phương công bố.
Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên là các dự án đường cao tốc đang triển khai đồng loạt, nhu cầu vật liệu rất lớn và chủ yếu tập trung trong các năm 2023, 2024, trong khi công suất các mỏ đang khai thác tại các địa phương đều hạn chế do trước đây chủ yếu khai thác để phục vụ nhu cầu của địa phương; việc nâng công suất các mỏ cát theo cơ chế đặc thù mới chỉ được áp dụng cho các dự án khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nguyên nhân chủ quan là do Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn các địa phương thủ tục khai thác các mỏ vật liệu, tuy nhiên các địa phương còn lúng túng trong triển khai. Đây là điểm nghẽn mà Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm tháo gỡ theo chỉ đạo của Chính phủ.
Để đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công các dự án đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố tháo gỡ các vướng mắc trên.
UBND các tỉnh, thành phố giao các sở, ngành và địa phương có liên quan làm việc với các nhà cung ứng vật liệu, chủ mỏ để có cam kết việc cung ứng vật liệu theo giá đã công bố, niêm yết.
Tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng để không xảy ra tình trạng ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố. Trường hợp phát hiện tình trạng cố tình thông đồng, ép giá cao hơn so với giá đã công bố phải có giải pháp mạnh như xử phạt, xem xét thu hồi giấy phép.
Chưa đến một nửa mặt bằng đã bàn giao có thể thi công trong khi giá vật liệu xây dựng quá cao là hai "nút thắt" cần sớm giải quyết để đảm bảo thi công đường cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Phú Yên đúng tiến độ.