Theo lãnh đạo Công an tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2022, trên địa bàn TP Rạch Giá và một số huyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang xuất hiện tình trạng nhiều đối tượng hình sự, tệ nạn xã hội sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK,VLN,CCHT) và các loại súng có tính năng như vũ khí quân dụng để giải quyết mâu thuẫn, bảo kê các điểm tệ nạn xã hội, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Từ đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo công an tỉnh các đơn vị, địa phương phối hợp rà soát, lên danh sách, triển khai các biện pháp đấu tranh các đối tượng hình sự có dấu hiệu mua bán, tàng trữ VK,VLN,CCHT.
Quá trình điều tra xác định đường dây chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán VK,VLN,CCHT với số lượng đặc biệt lớn liên quan đến nhiều đối tượng, nhóm tội phạm ở nhiều địa bàn trong và ngoài tỉnh, nếu không kịp thời đấu tranh ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự.
Ngày 22/8/2022, Ban Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang chỉ đạo phá án. Các Tổ công tác nhận lệnh đồng loạt tổ chức bắt, khám xét nơi ở 17 đối tượng có hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển mua bán VK,VLN,CCHT.
Cụ thể, lực lượng chức năng thu giữ 12 khẩu súng chế tạo thủ công, có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, thuộc danh mục vũ khí quân dụng; 46 khẩu súng là CCHT; 302 khẩu súng là đồ chơi nguy hiểm; 51 viên đạn quân dụng; 249 viên đạn là CCHT; 81 viên đạn thể thao và nhiều linh kiện khác.
Trước khi đường dây chế tạo vũ khí quân dụng bị lực lượng chức năng triệt phá, nhóm đối tượng đã bán ra bên ngoài 18 khẩu súng, trong đó có 12 khẩu súng quân dụng, giá bán từ 8-12 triệu đồng/khẩu súng. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã thu hồi được 16 khẩu súng.
Liên quan đến đường dây chế tạo, vận chuyển và mua bán vũ khí quân dụng số lượng lớn này, đến nay, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khởi tố 17 bị can.
Đại tá Đào Hải Đăng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, Ban Chỉ huy chuyên án nhận định các đối tượng trong đường dây là những đối tượng xã hội, đa phần có tiền án, tiền sự. Trong nhà và trên người các đối tượng luôn tàng trữ vũ khí nguy hiểm, cụ thể là súng có tính năng như súng quân dụng, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ nếu bị phát hiện.
Việc triển khai bắt giữ, khám xét các đối tượng được lực lượng phá án cẩn thận lựa chọn thời điểm và phương án đánh bắt phù hợp, đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ, người dân và chính các đối tượng.
Về phương thức vận chuyển mua bán, Đại tá Đăng cho rằng, nhóm đối tượng sử dụng tài khoản ảo, kể cả tài khoản ngân hàng để rao bán súng, vũ khí.
Về hình thức vận chuyển, các đối tượng sử dụng xe ôm để giao hàng và nhận tiền. Ngoài ra, nhóm đối tượng tháo rời các bộ phận súng, gửi nhiều lần qua các đơn vị vận chuyển hàng hóa. Do đó gây khó khăn cho lực lượng công an trong công tác phát hiện, ngăn chặn và truy nguồn gốc.
Để ngăn chặn tình trạng này, Công an tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ Công an kịp thời tháo gỡ các thông tin rao bán súng; đồng thời kiến nghị ngành chức năng quản lý chặt các đơn vị kinh doanh vận chuyển hàng hóa; hoạt động giao nhận hàng. Song song đó, lực lượng công an tỉnh ngoài việc thống kê, rà soát các đối tượng có tiền án tiền sự, quản lý chặt, cần nỗ lực thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn và triệt xóa kịp thời tội phạm liên quan đến chế tạo, mua bán vũ khí.