Ngày 10-3, ông Lê Tấn Hổ - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - ký văn bản gởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin dừng đầu tư dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch (thị xã Đông Hòa), chuyển đến đầu tư tại khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao xã Xuân Bình (thị xã Sông Cầu).
Theo văn bản trên, dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 7-2021, với mục tiêu xây dựng vùng dự án khoảng 120ha trên địa bàn các xã: Hòa Xuân Đông và Hòa Tâm thành vùng nuôi tôm chuyên canh, công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt - VietGAP.
Dự án có thời gian chuẩn bị từ năm 2020-2022, thực hiện năm 2022-2025. Tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng, gồm 130 tỉ đồng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí, số còn lại do tỉnh Phú Yên bố trí. Trong hai năm 2021-2022, bộ đã bố trí cho dự án gần 4 tỉ đồng, đã giải ngân được hơn 1,6 tỉ đồng.
UBND tỉnh Phú Yên cho hay dự án hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản hạ lưu sông Bàn Thạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Đó là phạm vi thực hiện dự án tại thị xã Đông Hòa không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của địa phương; khoảng 40ha thuộc xã Hòa Xuân Đông được quy hoạch chuyển từ đất nuôi trồng thủy sản sang đất vui chơi, giải trí công cộng; khoảng 80ha còn lại được quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái, không phù hợp với mục tiêu của dự án.
Mặt khác, giải pháp đầu tư xây dựng tuyến đê bao để chống ngập, bảo vệ vùng nuôi hoàn toàn là không phù hợp.
Ngoài ra, người dân chưa đồng thuận phương án thu phí cấp thoát nước, xử lý nước thải vì e ngại chi phí cao…
Trong khi đó, UBND thị xã Sông Cầu đề xuất chủ trương đầu tư dự án khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao. Theo ông Phan Trần Vạn Huy - chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, dự án được quy hoạch có diện tích 80ha đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối ven bờ biển xã Xuân Bình.
Dự án này đầu tư để thu hút các nhà đầu tư xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ cao nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục việc nuôi trồng thủy sản còn phụ thuộc nhiều vào môi trường, biến đổi khí hậu.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư hàng trăm triệu USD xây dựng hệ thống lồng bè, tàu cá nuôi biển quy mô công nghiệp, hoặc hợp tác với ngư dân cùng nuôi đem lại hiệu quả cao.