Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 10/3 tăng 100.000 đồng/lượng so với ngày cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã giảm trở lại đúng 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 65,85 – 66,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 17,1 USD lên 1.830,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hồi nhích nhẹ lên trên 1.835 USD, nhưng cũng đã giảm về quanh 1.830 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,24 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 10/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.639 đồng/USD, giảm nhẹ 1 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.500 – 23.840 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm về 21.400 USD, thì sang phiên hôm nay đã lao dốc mạnh và để mất mốc 20.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,58 USD (-0,77%), xuống 75,14 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,48 USD (-0,59%), xuống 81,11 USD/thùng.
VN-Index điều chỉnh nhẹ
Áp lực bán từ sớm đã khiến thị trường quay đầu giảm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Trong khi hầu hết các nhóm ngành lớn đều điều chỉnh, thì một vài điểm sáng như nhóm ngành du lịch và giải trí, cùng nhóm nhóm hàng không.
Bước sang phiên giao dịch chiều, VN-Index đã giật lùi về dưới mốc 1.050 điểm. Tuy nhiên, sự hồi phục của nhiều mã lớn và bé đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm về cuối phiên và test lại thành công ngưỡng 1.050 điểm.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 19,47 triệu đơn vị, giá trị mua ròng tương ứng đạt 418,4 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 10/3: VN-Index giảm 2,95 điểm (-0,28%), xuống 1.053 điểm; HNX-Index giảm 1,17 điểm (-0,56%) xuống 207,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,22%), lên 76,77 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall lao dốc trong phiên thứ Năm (9/3), với cổ phiếu ngân hàng tạo ra lực cản lớn nhất, trong khi các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng báo cáo việc làm vào thứ Sáu có thể thúc đẩy các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn từ Fed.
Chỉ số ngân hàng của S&P 500 giảm 6,6% sau khi chạm mức thấp nhất kể từ giữa tháng 10. Các nhà đầu tư đã rời khỏi lĩnh vực này sau khi tập đoàn SVB Financial, chuyên cấp tín dụng cho ngành công nghệ đã tiến hành bán 1,75 tỷ USD cổ phần để củng cố bảng cân đối kế toán.
Tâm lý nhà đầu tư cũng đang căng thẳng trước báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 2 của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones giảm 543,54 điểm (-1,66%), xuống 32.254,86 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 73,69 điểm (-1,85%), xuống 3.918,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 237,65 điểm (-2,05%), xuống 11.338,35 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất trong gần ba tháng, phá vỡ chuỗi năm ngày tăng liên tiếp, đặc biệt là ngành ngân hàng và công nghệ, đã chịu áp lực sau khi Phố Wall lao dốc đêm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,67% xuống 28.143,97 điểm. Tuy nhiên, trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,78%.
Chỉ số Topix giảm 1,91% xuống 2.031,58 điểm và tăng 0,6% trong tuần.
Phiên hôm nay, mọi lĩnh vực đều đi xuống, nhưng tài chính vượt xa phần còn lại với mức giảm 4,4%.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chuẩn của Nhật Bản giảm xuống 0,385%, mức thấp nhất kể từ ngày 24 tháng 1, giảm từ mức trần 0,5% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) theo chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC).
Cổ phiếu Lender Resona Holdings là cổ phiếu giảm điểm mạnh nhất trên Nikkei 225, giảm 7,47%. Ngân hàng Chiba mất 7,33% và Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ giảm 6,13%.
Cổ phiếu Seven & i Holdings đã giảm 5,9% sau khi thông báo đóng cửa thêm nhiều siêu thị và rút khỏi mảng kinh doanh hàng may mặc. Nippon Yusen giảm 6,58%, gây thất vọng với kế hoạch tăng tỷ lệ chi trả cổ tức.
Trong số các tên tuổi công nghệ, SoftBank Group giảm 6,26% và các công ty trực tuyến Rakuten Group và Recruit Holdings lần lượt giảm 4,11% và 3,28%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, dẫn đầu là cổ phiếu ô tô, do lo ngại của các nhà đầu tư về sự phục hồi của Trung Quốc sau dữ liệu yếu hơn dự kiến trong tuần này.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 1,40% xuống 3.230,08 điểm và giảm 2,95% trong tuần. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,31% xuống 3.967,14 điểm, mức thấp nhất trong hơn 9 tuần.
“Các chỉ số kinh tế của tuần này, chẳng hạn như dữ liệu nhập khẩu tháng 1 và tháng 2 giảm 10,2% so với dự kiến, đã dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về tốc độ phục hồi kinh tế ở Trung Quốc” Linus Yip, chiến lược gia trưởng tại First Shanghai Securities cho biết
Hôm thứ Năm, Trung Quốc báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 cao hơn 1% so với một năm trước đó, tốc độ tăng chậm nhất kể từ tháng 2/2022 và cho thấy tâm lý tiêu dùng thận trọng.
Chỉ số theo dõi ngành ô tô phiên này giảm 4,85% và là tác nhân ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường.
Chứng khoán Hồng Kông lao dốc, cũng bởi nhóm cổ phiếu ô tô và công nghệ.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 3,04% xuống 19.319,92 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 3,06% xuống 6.445,90 điểm.
Chỉ số Công nghệ phiên này giảm 3,78%, do các cổ phiếu ô tô như BYD Electronic International giảm 5,69%.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com tại Hồng Kông đã giảm 11,49%, dẫn đầu nhóm cổ phiếu giảm giá, sau khi mức tăng trưởng doanh thu 7,1% trong quý IV năm 2022 không đạt ước tính.
Cổ phiếu của công ty bảo hiểm tập trung vào châu Á AIA Group Ltd đã giảm tới 4,62%, sau khi báo cáo rằng giá trị hoạt động kinh doanh mới (VONB), đo lường lợi nhuận kỳ vọng từ phí bảo hiểm mới và là thước đo chính cho sự tăng trưởng trong tương lai, giảm 8% xuống còn 3,09 USD tỷ USD vào năm ngoái.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, do sự thận trọng trước dữ liệu việc làm của Mỹ có thể báo hiệu các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ hơn của Fed.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 24,50 điểm, tương đương 1,01% xuống 2.394,59 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 19/1.
Trong tuần, chỉ số này giảm 1,54%, mức giảm trong một tuần lớn nhất kể từ cuối tháng 12/2022.
Nhà đầu tư tập trung vào dữ liệu việc làm của Mỹ sẽ được thông báo vào cuối ngày, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết vào đầu tuần này rằng, Fed có thể phải tăng lãi suất nhiều hơn dự báo trước đó.
Phiên này, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics giảm 1% và SK Hynix mất 2,69%, nhưng nhà sản xuất pin LG Energy Solution tăng 0,36%.
Kết thúc phiên 10/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 479,18 điểm (-1,67%), xuống 28.143,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 46,02 điểm (-1,40%), xuống 3.230,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 605,82 điểm (-3,04%), xuống 19.319,92 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 24,50 điểm (-1,01%), xuống 2.394,59 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Nhà phát hành có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, trái chủ chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư của mình
Đây là khuyến cáo mới nhất của Bộ Tài chính sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp..>> Chi tiết
- Hoán đổi trái phiếu sang tài sản: Không dễ thực hiện
Hoán đổi trái phiếu bằng tài sản giúp giải quyết áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn, nhất là với các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh hiện nay..>> Chi tiết
- ACBS: Định giá P/B 1,5 lần, cơ hội với cổ phiếu ngân hàng
Mức định giá hiện khá hấp dẫn, cổ phiếu ngành ngân hàng là cơ hội đầu tư dài hạn, còn ngắn hạn có thể tận dụng được những đợt thị trường điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu ngân hàng..>> Chi tiết
- Vui buồn cổ phiếu thị giá cao
Số lượng thành viên của “câu lạc bộ” cổ phiếu giá 3 chữ số đã thu hẹp đáng kể sau giai đoạn tăng nóng năm 2021. Dù thị giá đắt đỏ, song vấn đề của nhóm cổ phiếu này là dòng tiền thường xuyên ảm đạm..>> Chi tiết
- Chỉ phát biểu vài phút, Chủ tịch Fed đã thay đổi mọi thứ
Bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell trước lưỡng viện trong tuần này chỉ có vài phút, nhưng nó đã làm thay đổi mọi thứ..>> Chi tiết