Ngày 10-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 tới các sở Y tế, bệnh viện (BV), cơ sở y tế và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế (TTBYT). Hội nghị kết nối với gần 1.300 điểm cầu trên cả nước.
Không để thiếu thuốc, vật tư
Theo Thứ trưởng Tuyên, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ bước đầu tháo gỡ nhiều khó khăn, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, TTBYT, vật tư y tế của các cơ sở y tế trong mua sắm, đấu thầu, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy vậy, những khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết triệt để ngay mà cần giải quyết từng bước. Các khó khăn trong thực tiễn mua sắm, đấu thầu sẽ được Bộ Y tế ghi nhận và phối hợp với các bộ, ngành trung ương báo cáo lên Chính phủ để có giải pháp tiếp theo.
“Mục đích cuối cùng và xuyên suốt là không được để thiếu thuốc, vật tư, TTBYT mà cần có giải pháp thay thế để phục vụ người bệnh. Dù khó khăn thế nào cũng phải khắc phục bằng được, không để thiếu thuốc, vật tư, TTBYT. Có thể thiếu thuốc này nhưng có thuốc khác thay thế hoặc thiếu TTBYT này thì có loại khác” - ông Tuyên nhấn mạnh.
Hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị định 07 và Nghị quyết 30 kết nối hơn 1.300 điểm cầu trên cả nước. Ảnh: BYT |
Đại diện Vụ Trang thiết bị và công trình y tế và Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đã điểm qua một số nội dung mới của Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Trong đó, điểm nổi bật của Nghị định 07 là gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu, sổ lưu hành TTBYT. Cụ thể, giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024. Số đăng ký lưu hành đối với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 1-1-2014 đến 31-12-2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.
Nghị định cũng bỏ quy định “không được mua bán TTBYT khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cho doanh nghiệp và các cơ sở y tế. Đổi lại, quy định chỉ thực hiện kê khai giá đối với TTBYT khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ BHYT. Nội dung, hình thức, trình tự thủ tục kê khai giá TTBYT thực hiện theo quy định của pháp luật về giá hoặc trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Với Nghị quyết 30, không còn bắt buộc phải tham khảo ba báo giá khi đấu thầu, mua sắm. Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.
Cần giải pháp lâu dài
Tại hội nghị, các ý kiến đều cho rằng hai văn bản được ban hành rất kịp thời, giúp BV, cơ sở y tế giải quyết vấn đề cấp bách trong mua sắm TTBYT, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng TTBYT nhập khẩu tại cửa khẩu.
Bác sĩ bệnh viện Lê Văn Thịnh đang tiến hành chụp CT scan cho bệnh nhân. Ảnh: Thảo Phương |
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết sở đã họp với các đơn vị y tế trên địa bàn TP. Đa số đánh giá hai văn bản đã giải quyết được khoảng 80% khó khăn liên quan đến vấn đề mua sắm TTBYT, giúp các cơ sở y tế nhanh chóng có máy móc phục vụ khám chữa bệnh cho người dân. Theo ông Nam, Nghị quyết 30 đã tháo gỡ khó khăn cho BV khi thanh toán BHYT đối với các dịch vụ thực hiện bằng máy đặt, máy mượn nhưng chỉ mang tính tức thời. Về lâu dài, cần đưa nội dung này vào luật để ổn định. Đối với Nghị định 07, đại diện Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục TTBYT phải kê khai giá.
Tương tự, đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho rằng các quy định trong hai văn bản mới chỉ có tính ngắn hạn, cần tính đến giải pháp lâu dài để các BV không rơi vào tình cảnh như thời gian qua. Vị này cũng cho rằng nên hướng tới việc đàm phán giá đối với một số máy móc, hóa chất độc quyền chỉ có 1-2 doanh nghiệp cung ứng thay vì tổ chức đấu thầu. Đối với mặt hàng độc quyền chỉ có một doanh nghiệp bán, BV cần nhưng có tâm lý lo ngại, không dám mua vì sợ vướng quy định.
“Về kê khai giá, mã vật tư y tế của các doanh nghiệp cần đăng tải ở các trang của bộ để làm cơ sở. Có trường hợp doanh nghiệp đăng tải trên trang của doanh nghiệp, đầu tuần BV tra còn thấy, cuối tuần kiểm tra đã biến mất, rất khó khăn cho việc xây dựng hồ sơ mời thầu” - đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa nêu.
Còn ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm có hỗ trợ hướng dẫn cụ thể, tình huống nào là cấp bách trong đơn vị y tế. Việc không có thuốc, vật tư y tế để cấp cứu cho bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa vì liên quan đến chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn. Nếu không dù các văn bản thông suốt thì việc mua sắm cũng sẽ mất thời gian 3-6 tháng, thậm chí lâu hơn nếu doanh nghiệp không vào cuộc cùng hỗ trợ.
Hiện chúng tôi đang phối hợp với Bộ KH&ĐT tiến hành sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng được phép mua sắm trang thiết bị được phân nhóm các nước sản xuất, được phép chỉ định trong trường hợp máy đóng. Hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024 cũng đã quy định về nội dung BV được sử dụng máy mượn, khắc phục tình trạng khoảng trống pháp lý.
Ông LÊ THÀNH CÔNG,
Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế)
Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT để sửa Luật Giá, Luật Đấu thầu. Nếu không đồng bộ được tất cả văn bản thì không thể giải quyết được vướng mắc.
Thứ trưởng Bộ Y tế ĐỖ XUÂN TUYÊN