Nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI) cho thấy, hoạt động liên kết tại TP.HCM chỉ có 3,2 công ty/năm và tại Hà Nội chỉ có 2,7 công ty/năm có liên kết thành công.
Các đơn vị hỗ trợ liên kết đều cho rằng, để thành công trong liên kết thì doanh nghiệp Việt Nam phải có đủ năng lực. Hiện số lượng doanh nghiệp Việt trong ngành chế tạo rất ít. Số doanh nghiệp thực sự chất lượng có thể liên kết với các tập đoàn đa quốc gia chỉ dưới 500 doanh nghiệp.
Khó khăn của doanh nghiệp Việt hiện nay là yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia, đó là chất lượng, giá, thời gian giao hàng. Cụ thể, chất lượng, quy trình - thiết bị đảm bảo chất lượng, các loại chứng nhận (ISO 9001, 14001, IATF 16949, CE, UL...). Giá phải mang tính cạnh tranh, cấu trúc giá, minh bạch về giá, sự linh hoạt về giá. Thời gian giao hàng phải đảm bảo, quản lý chuỗi cung ứng, khả năng đáp ứng yêu cầu khẩn cấp…
Ngành công nghiệp chế tạo đang là lĩnh vực tạo sức hấp dẫn, thu hút lượng lớn nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thể hiện ở vốn FDI vào ngành thường chiếm tỷ lệ cao nhất về số dự án và vốn đăng ký đặc biệt trong năm 2022. Theo số liệu của Bộ Công thương, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14,96 tỷ USD, chiếm 59,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và đã có 107 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2022.
Chia sẻ tại Hội thảo “Phát triển liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với các công ty đa quốc gia trong ngành công nghiệp chế tạo” được tổ chức mới đây tại TP HCM, Tiến sỹ Trương Chí Bình, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ cho biết, sản xuất theo hình thức OEM - những công ty chuyên sản xuất ra các sản phẩm theo thiết kế và các thông số kỹ thuật từ đơn đặt hàng của đối tác, đang có xu hướng phát triển mạnh ở các thị trường đặc biệt trong lĩnh vực điện tử.
Mỗi nhãn hàng toàn cầu có thể có tới vài chục nhà máy OEM. Tại Việt Nam gần đây cũng xuất hiện luồng đầu tư vào các doanh nghiệp OEM. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam vào được lĩnh vực này cũng rất ít.
“Số lượng doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chế tạo còn quá ít. Và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam sẽ là yếu tố quyết định liên kết thành công”, Tiến sỹ Bình nhìn nhận.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch Kinh doanh và Đối ngoại, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, khó khăn trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là sự thiếu hụt các yếu tố cơ bản của ngành như công nghiệp vật liệu và kỹ năng / kinh nghiệm dẫn đến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước khó cạnh tranh.
Một trong những nguyên nhân chính của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là quy mô thị trường và sản xuất nhỏ, chưa thu hút được các nhà cung cấp. Sản lượng sản xuất tính trên mỗi mẫu xe tại Việt Nam thấp hơn hẳn so với Thái lan và Indonesia, rất khó để nội địa hóa do thiếu quy mô sản xuất tập trung.
Việt Nam có sản lượng trung bình tính theo từng model xe là thấp nhất so với Thái lan và Indonesia. Thiếu sản lượng nên khó sản xuất linh kiện hàng loạt, giảm giá thành, do đó khó nội địa hóa tại Việt Nam. Biện pháp phù hợp theo ông Hiếu là tiếp cận theo hướng “từng bước” nội địa hóa, hiện tại hơn 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước vẫn là nhập khẩu.
Để nâng cao năng lực của các nhà cung cấp, thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của các nhà cung cấp, Toyota cũng đã và đang cung cấp hỗ trợ đầy đủ - từ an toàn đến chi phí cạnh tranh; thiết lập phòng phát triển nhà cung cấp để nâng cao năng lực nhà cung cấp và làm việc cùng họ…
Trong khi đó, theo VASI, để ngành công nghiệp chế tạo phát triển cũng cần khuyến khích các nhà cung cấp cấp 1 của Việt Nam mở rộng sản xuất bằng cách hỗ trợ vốn, mặt bằng, lãi vay; Thúc đẩy thành lập công ty mới tách từ FDI để trở thành các công ty nhỏ và vừa, các công ty lớn; Hỗ trợ nhà cung cấp cấp 2 lên cấp 1; Phát triển các vườn ươm/hệ sinh thái để tăng cường khởi nghiệp mới trong lĩnh vực chế tạo…