* Triều Tiên thực hiện biện pháp răn đe chiến tranh. Tại một cuộc họp của đảng cầm quyền do nhà lãnh đạo Kim Jong Un chủ trì, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết nước này đã quyết định thực hiện các biện pháp răn đe chiến tranh.
Cuộc họp diễn ra trước cuộc tập trận quân sự chung lớn của Mỹ và Hàn Quốc dự kiến bắt đầu vào ngày 13-3. Cuộc tập trận đã khiến Triều Tiên tức giận.
KCNA cho hay đảng cầm quyền Triều Tiên đã thảo luận và quyết định "các biện pháp quan trọng, thiết thực", trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc tăng cường các động thái mới. Dù vậy, KCNA không thông tin rõ các biện pháp này là gì.
Nga thiệt hại nặng ở Bakhmut?
* Hơn 500 binh sĩ Nga thiệt mạng hoặc bị thương trong 1 ngày ở Bakhmut. Ngày 11-3, Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội Ukraine Serhiy Cherevaty cho biết trong 24 giờ gần nhất, có hơn 500 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương trong trận đánh giành thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine.
Cũng trong 24 giờ qua, Nga đã tiến hành 16 cuộc tấn công và có tới 23 cuộc đụng độ diễn ra ở Bakhmut.
"Trong suốt cuộc giao tranh, 221 kẻ thù đã bị giết và 314 người bị thương ở các mức độ khác nhau", ông Cherevaty cho biết.
Các lực lượng Matxcơva và Kiev đã giao tranh trong nhiều tháng vì thành phố Bakhmut, phía đông khu vực Donbass. Cả hai bên đều thừa nhận những tổn thất đáng kể và con số thương vong chính xác rất khó xác minh.
Trước đó, ngày 10-3, một phụ tá của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết Kiev quyết định tiếp tục chiến đấu tại Bakhmut vì trận chiến đang tiêu hao những đơn vị tốt nhất của Nga.
Matxcơva nói rằng việc giành được Bakhmut sẽ tạo ra lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ của Ukraine và là một bước tiến tới việc giành toàn bộ khu vực công nghiệp Donbass - vốn là mục tiêu chính.
* Tổng thống Ukraine lên án "các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo" của các đơn vị thân Nga tại Kherson. Ông Zelensky cho biết cuộc pháo kích của Nga đã khiến 3 dân thường ở thành phố Kherson, miền nam Ukraine thiệt mạng trong ngày 11-3.
Ông Zelensky nói 3 người này thiệt mạng khi đến cửa hàng tạp hóa mua đồ.
"Tôi muốn hỗ trợ các thành phố và cộng đồng của chúng ta, những nơi đang phải hứng chịu các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo", ông Zelensky nói trong bài phát biểu video thường lệ vào buổi tối 11-3. "Những tàn tích, mảnh vỡ, lỗ đạn trên đất là bức chân dung tự họa của nước Nga".
Ukraine đã giành lại Kherson vào tháng 11 sau gần 8 tháng rơi vào tay lực lượng Nga. Khu vực này hiện bị lực lượng Nga ở phía đối diện sông Dnipro bắn phá liên tục.
Những quý cô của gió
Biểu tình/đình công ở châu Âu
* Biểu tình tiếp diễn ở Pháp. Ngày 11-3, người dân Pháp tiếp tục đi biểu tình phản đối kế hoạch cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron.
Biểu tình và đình công đang ảnh hưởng đến các nhà máy lọc dầu, giao thông công cộng và hoạt động thu gom rác thải… nhằm gây sức ép buộc chính phủ rút lại kế hoạch cải cách lương hưu, cụ thể là tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, lên 64 tuổi.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 368.000 người biểu tình đã tuần hành ở nhiều thành phố khác nhau. Hồi đầu tuần có tới 1,28 triệu người xuống đường, con số cao nhất kể từ khi bắt đầu phong trào biểu tình.
Chính phủ khẳng định kế hoạch cải cách của họ là cần thiết để đảm bảo hệ thống lương hưu không cạn tiền, do đó chính phủ sẽ không lùi bước. Thượng viện sẽ tiếp tục xem xét dự luật cải cách vào cuối tuần này và có thể bỏ phiếu vào tối 12-3, tiến gần hơn đến việc ban hành luật mới.
Trong khi đó tại thủ đô Paris, rác tiếp tục chất đống trên đường phố và người dân thấy ngày càng có nhiều chuột.
* Nhân viên an ninh 4 sân bay ở Đức đình công. Cuộc đình công kéo dài 24 giờ của nhân viên an ninh tại 4 sân bay ở Đức sẽ khiến khoảng 351 chuyến bay bị hủy vào ngày 13-3.
HIệp hội các sân bay ADV cho biết các chuyến bay dự kiến bị hủy nằm ở sân bay Berlin, Bremen, Hamburg và Hannover, ảnh hưởng khoảng 100.000 hành khách.
Trong khi đó, các sân bay đang phải rất nỗ lực để hoạt động hết công suất sau đại dịch COVID-19.
Phía công đoàn muốn nhân viên ca đêm và cuối tuần phải được trả lương cao hơn. Năm 2023 mới diễn ra được gần 3 tháng mà đã có 3 cuộc đình công xảy ra.
"Làm việc 24/7, 7 ngày/tuần, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống gia đình", công đoàn tại Đức cho biết.
Nhiều người thiệt mạng do thảm họa thiên nhiên
* Số nạn nhân thiệt mạng vì lở đất ở Indonesia lên tới hơn 40 người. Giới chức Indonesia xác nhận số nạn nhân thiệt mạng vì lở đất ở đảo Serasan, huyện Natuna, tỉnh miền tây Riau tính đến ngày 11-3 đã lên đến 44 người.
Ông Raja Darmika, quan chức phụ trách chiến dịch cứu hộ của Cơ quan Quản lý và Khắc phục thảm họa huyện Natuna, cho biết lực lượng chức năng đã xác định được danh tính của 43 trong số 44 nạn nhân thiệt mạng. Đến nay, lực lượng chức năng đã sơ tán được 2.234 người.
Trong khi đó, ông Syariffuddin Muhammad - quan chức của Cơ quan Quản lý và Khắc phục thảm họa huyện Natuna - nhận định mưa lớn chính là nguyên nhân gây ra thảm họa lở đất.
Indonesia thường xuyên phải đối mặt với tình trạng sạt lở đất trong mùa mưa. Ở một số khu vực, tình trạng này trở nên trầm trọng hơn do nạn phá rừng và mưa xối xả kéo dài gây lũ lụt.
Vệ binh quốc gia giải cứu người dân trong trận bão ở California, Mỹ
Cựu thủ tướng Anh thăm Việt Nam; EU thừa nhận cạn kiệt biện pháp trừng phạt Nga; Bỉ cấm nhân viên cài TikTok trên thiết bị công... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 11-3.