Có thể làm gì?
Liên quan đến vấn đề tưởng là nhỏ nhưng rất quan trọng này, Tuổi Trẻ ghi nhận thêm một số ý kiến về việc phát triển nhà vệ sinh công cộng cho các đô thị.
TS Phạm Viết Thuận (viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM):
Xây xong rồi cũng rất cần "chỉ điểm" thuận lợi
TP.HCM hoặc các đô thị khác cần định hướng quy hoạch xây dựng nhà vệ sinh công cộng phân theo vùng nội thành và ngoại thành: nội thành thì gắn với các công viên, khu vui chơi, trung tâm thương mại, bến xe cùng với các cây xăng; ngoại thành thì dựa trên khoảng cách địa giới hành chính. Tuy vậy, cần có cơ chế rõ ràng cho việc tự quản hoặc không tự quản.
Bên cạnh đó, cần xã hội hóa khi ngân sách dành cho việc này khá khó khăn. Có thể nghiên cứu giao cho các đơn vị công ích quận huyện hoặc công ty môi trường đô thị làm chủ đầu tư trên định hướng xã hội hóa nhằm duy trì hoạt động và thu hồi nguồn vốn, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho chủ đầu tư có thể tiếp cận phát triển.
Nhà vệ sinh ở đô thị rất quan trọng cả về hình thức lẫn chất lượng, do đó cần có quy định màu sắc, kích thước, quy mô và đặc biệt là có thể di chuyển dễ dàng, lắp đặt mà không cần quy hoạch theo tiêu chuẩn đô thị.
Ngoài ra cần hướng dẫn người dân nhận biết nơi đặt nhà vệ sinh công cộng, hiện nay có thể dùng cả trên các trang web, thậm chí tạo app.
TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM):
Tính toán xây nhà vệ sinh lưu động
Nhiều người nước ngoài đánh giá TP.HCM có tất cả mọi thứ tốt đẹp từ các dịch vụ ăn uống, mua sắm, chỉ có thứ thiếu nhất là nhà vệ sinh công cộng. Không chỉ thiếu, nhà vệ sinh lại còn đặt ở những vị trí không thuận lợi và lại rất "thiếu vệ sinh".
Chưa kể, một số người có thói quen đi vệ sinh ngay bên vệ đường. Việc thiếu trầm trọng nhà vệ sinh công cộng khiến không ít người nghĩ rằng chúng ta e ngại đặt nhà vệ sinh di động trên đường phố trung tâm sầm uất gây mất mỹ quan nhưng lại dửng dưng trước hình ảnh nhiều người tiểu bậy trên đường phố (?!).
Tôi cho rằng TP.HCM và các đô thị cần nhanh chóng tăng số lượng nhà vệ sinh lên, đặc biệt là ở những khu vực đông người qua lại.
Để làm được như vậy có thể giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch thống nhất trên toàn TP từ kinh phí ngân sách hoặc xã hội hóa. Hoặc khả thi hơn là giao chỉ tiêu cho các quận huyện điều tra, lên phương án thông qua TP để xây dựng, quản lý, đảm bảo đầy đủ nguồn điện, nước.
Đặc biệt nên tính toán xây dựng nhà vệ sinh lưu động, bởi loại hình này có thể cơ động di chuyển ở các nơi theo giờ cao điểm.
TS Nguyễn Hồng Ngọc (khoa kiến trúc ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng):
Phải đảm bảo tính tiện dụng và an toàn cho mọi người
Một trong những yêu cầu đối với nhà vệ sinh công cộng là phải có địa điểm hợp lý. Cần bố trí ở những nơi có lượng dân di chuyển lớn; nơi có nhiều hoạt động sẽ trở nên an toàn hơn, đặc biệt với phụ nữ và những người yếu thế.
Ví dụ nếu bố trí nhà vệ sinh công cộng trong công viên nên bố trí bên rìa chứ không phải nằm hẳn trong công viên. Hoặc bố trí kề bên trạm dừng xe buýt, sạp bán báo...
Ở TP Đà Nẵng có một nhà vệ sinh công cộng nằm bên rìa công viên nhỏ ngay góc đường Hùng Vương.
Nhà vệ sinh này được đánh giá là sạch sẽ và thân thiện với người sử dụng, mặc dù không quá hào nhoáng. Để làm được như thế khi thiết kế nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo tính tiện dụng, tiết kiệm nước, an toàn với các nhóm dân cư yếu thế.
Việc xây dựng và duy trì các nhà vệ sinh công cộng phải được xem là một ưu tiên đối với các đô thị như TP.HCM, bởi nó chính là một phần của chiến lược xây dựng một TP văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Thế Định (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 1, TP.HCM):
Cần cơ chế cụ thể để khuyến khích đầu tư
Tôi nhớ TP từng có chủ trương vận động các nhà hàng, quán cà phê, khu trung tâm thương mại khai thác khu vực vệ sinh phục vụ khách vãng lai nhưng thực tế hiệu quả không khả quan.
Bởi đối tượng người dân di chuyển và lao động trên đường phố (người mua ve chai, bán vé số hay xe ôm) thường rất e ngại vào các địa điểm sang trọng đi vệ sinh.
Vài năm trước đây quận 1 từng có mô hình nhà vệ sinh trên vỉa hè có thu phí, tuy nhiên đến giai đoạn 2017 - 2018 UBND quận đã ra chiến dịch dẹp kinh doanh trên các vỉa hè, từ đó các nhà vệ sinh công cộng được thí điểm trên cũng dẹp đi.
Hiện các mô hình nhà vệ sinh thông minh không thiếu, chỉ có điều TP.HCM cần có một cơ chế nào đó để khuyến khích các đơn vị đầu tư. Bởi chỉ nếu thu phí vệ sinh thì không biết bao lâu mới thu hồi vốn.
Nếu không thu hút được tư nhân, bắt buộc Nhà nước phải đầu tư quan tâm câu chuyện này, có thể thu lại vốn chậm hơn nhưng mục đích phải đảm bảo phục vụ người dân và khách du lịch.
Theo tôi, với quỹ đất của quận 1 hay các quận trung tâm rất hiếm nên việc triển khai các nhà vệ sinh lưu động, thông minh là phù hợp. Chính quyền TP cần phải đưa ra một khuôn mẫu về nhà vệ sinh chuẩn nhất để các địa phương có thể gọi nhà đầu tư thống nhất thực hiện.
Chị Nguyễn Minh Anh Thư (quận 3, TP.HCM):
Lượng - chất phải song song
Ở TP.HCM dễ tìm được một chỗ ăn chơi, nhưng tìm được một nhà vệ sinh công cộng thật sự rất gian nan.
Vì thế, ngoài việc tăng thêm nhà vệ sinh công cộng là một chuyện, điều quan trọng không kém là đừng để nhà vệ sinh công cộng xuống cấp, hôi thối trở thành "nỗi ám ảnh" cho mọi người.
Có chính sách quản lý, tránh tình trạng "cha chung không ai khóc". Việc đáp ứng nhu cầu nhỏ nhất như có chỗ đi vệ sinh sạch sẽ thoải mái cũng là yếu tố tạo nên hình ảnh đẹp cho du khách.
CẨM NƯƠNG ghi
Xem thêm: mth.14303948021303202-gnuhc-ohk-mal-teh-gneir-mein-ed-iht-od-iat-gnoc-gnoc-hnis-ev-ahn/nv.ertiout