Vào năm 2011, Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp diễn ra tại Trường THPT Thái Thanh Hòa (thị trấn Đầm Dơi) đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. Sáng nay 12-3, chương trình trở lại với học trò nơi đây.
Chương trình không dừng lại là một buổi tư vấn, mà đã trở thành một buổi nói chuyện thân mật của những người đi trước đối với đàn em đi sau.
Gặp lại người được hướng nghiệp 12 năm trước
Khi biết Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ trở lại Dầm Dơi, đêm qua chị Dương Kiều Diễm (cựu học sinh Trường THPT Đầm Dơi, cựu sinh viên báo chí khóa 2011 Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) lên xe đò về lại quê nhà để giao lưu với đàn em.
Chia sẻ với các bạn học sinh về chặng đường đã đi qua, chị Kiều Diễm, nay là giám đốc điều hành một công ty quảng cáo truyền thông ở TP.HCM, không quên gửi lời cảm ơn đến các thầy cô trong ban tư vấn 12 năm trước, những người đã giúp chị chọn hướng đi mới so với dự định ban đầu trong chọn ngành.
"Hồi đó tôi nuôi dưỡng ước mơ trở thành cô giáo dạy văn trong suốt 11 năm, rồi đến năm lớp 12, sau khi tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ, tôi đã quyết định chọn ngành báo chí.
Năm đó, thầy Phạm Tấn Hạ, nhà báo Bùi Thanh và một chị phóng viên Tuổi Trẻ đã truyền cảm hứng giúp tôi đưa ra quyết định thay đổi trong chọn ngành học. Tôi vẫn nhớ mãi lời nhà báo Bùi Thanh rằng nếu thực sự yêu thích, có đam mê thì cứ tìm hiểu và mạnh dạn chọn ngành báo chí để gắn bó.
Còn thầy Hạ nói rằng chúng ta đừng bao giờ nghe nói ngành đó ra trường thất nghiệp, mà chỉ nghe chính bản thân mình. Mình yêu thích ngành gì, muốn làm việc gì, muốn trở thành ai… để đưa ra quyết định chọn ngành. Và tôi đã chọn ngành báo chí" - chị Diễm kể.
Chắp cánh ước mơ làm giàu, xây dựng quê hương cho học sinh
Trao đổi với các thầy cô ban tư vấn, Hà Huyền Trân (học sinh lớp 12 Trường THPT Thái Thanh Hòa) cho biết bạn dự định chọn ngành quản trị kinh doanh với ước mơ làm giàu ngay trên quê hương mình.
Chia sẻ với nữ sinh này, ThS Nguyễn Thái Châu, giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường đại học Tài chính - Marketing, cho biết 12 năm trước thầy đã tham gia tư vấn tại ngôi trường này.
"Trước đây tôi học ngành quản trị kinh doanh và nay đã trở thành giám đốc trung tâm của trường đại học. Học quản trị kinh doanh sẽ có khả năng làm quản lý, nhưng trước đó các bạn phải trải qua quá trình tập sự, nhân viên kinh doanh… và phải làm tốt vai trò của mình.
Sau này trở thành quản lý, các bạn có khả năng phân công tất cả vị trí trong công ty, đơn vị, kiểm soát tài chính, hoạt động marketing… để đơn vị mình ngày càng phát triển" - thầy Châu nói.
Về cơ hội việc làm ngành quản trị kinh doanh, thầy Châu cho biết thêm: "Hiện nay các trường đại học lớn đều có trung tâm hỗ trợ việc làm, hợp tác doanh nghiệp. Các đơn vị này sẽ hỗ trợ sinh viên tìm kiếm cơ hội việc làm, nơi thực tập… Do vậy, nếu bạn nào yêu thích ngành này cứ mạnh dạn theo đuổi".
Trò chuyện với các học sinh có mặt tại buổi tư vấn sáng nay, TS Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết ông có rất nhiều cảm xúc khi quay trở lại Đầm Dơi.
Trên đường đi từ TP Cà Mau về Đầm Dơi, thầy Hạ quan sát và nhận thấy sự thay đổi không nhiều so với 10 năm trước. Do vậy thầy Hạ mong các học sinh hôm nay phải có khát vọng xây dựng quê hương.
"Sau 12 năm trở lại, Đầm Dơi vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tôi mong các bạn là những người trẻ, sinh ra và lớn lên tại Đầm Dơi cần phải có khát vọng làm giàu cho bản thân mình, từ đó làm giàu cho quê hương mình.
Là những người làm chủ quê hương, các bạn hãy yêu thương quê hương mình nhiều hơn và giữ trong tim mình để làm động lực đi tiếp, không chỉ làm giàu cho cá nhân mình mà có thể đóng góp cho quê hương mình", thầy Hạ nói.
Chương trình đầy sự yêu thương
Ông Phạm Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi, cho rằng Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của báo Tuổi Trẻ là hoạt động hướng nghiệp có quy mô lớn, uy tín, chuyên nghiệp dành cho học sinh.
Việc ban tổ chức chương trình, cùng với các thầy cô ban tư vấn không ngại đường sá xa xôi, đến đây để cung cấp thông tin, giải đáp các thắc mắc về tuyển sinh… có nhiều ý nghĩa to lớn.
Điều này giúp các em tự tin hơn trong việc chọn ngành, chọn trường, bậc học phù hợp với năng lực, sở thích bản thân, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Vì sự thương yêu, sự nhiệt tình, đầy năng lượng của ban tổ chức, ban tư vấn dành cho tất cả học sinh đang có mặt ở đây.
"Tôi mong muốn trong buổi tư vấn này, các em học sinh nắm bắt thêm nhiều thông tin bổ ích để quyết định về chọn ngành nghề, đáp ứng nhu cầu xã hội, để góp phần cho quê hương Cà Mau nói riêng và đất nước nói chung cất cánh, hòa nhập với khu vực, phát triển bền vững" - ông Liêm nói.
Điều thú vị trong chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Trường THPT Vĩnh Thuận (Kiên Giang), chiều nay 11-3, là có khá nhiều học sinh muốn chọn ngành học để phát triển kinh tế gia đình và địa phương mình đang sinh sống.
Xem thêm: mth.25252652121303202-couq-ot-man-cuc-o-ial-gnos-peihgn-gnouh-nav-ut-man-21-cu-yk/nv.ertiout