Như Thanh Niên đã đưa tin, UBND TP.Đà Lạt vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị xem xét hủy quyết định phê duyệt kết quả đấu giá cho thuê nhà gắn liền với thuê quyền sử dụng đất 10 năm đối với nhà hàng Thủy Tạ (trên thắng cảnh hồ Xuân Hương). Trước đó, UBND TP.Đà Lạt nhận được văn bản của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng về việc khách hàng trúng đấu giá đã thông báo không tham gia đầu tư vào nhà hàng Thủy Tạ. Lý do đưa ra là phương án kinh doanh sơ bộ của khách có nội dung bắt buộc phải đổi tên nhà hàng Thủy Tạ thành nhà hàng HV, tức là xóa bỏ chữ Thủy Tạ, đổi thành chữ HV, nhưng yêu cầu này không được cấp có thẩm quyền chấp nhận. Vì thế, dù đã đấu giá thành, đã có quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá nhưng người trúng đấu giá từ chối kết quả, từ chối nộp tiền trúng đấu giá, chấp nhận mất hơn 608 triệu đồng tiền đặt cọc.
Trước đó, dư luận từng "choáng váng" khi ông Đoàn Hải Hà trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ với giá lên đến 15,15 tỉ đồng/năm (phải đóng tiền thuê một lần trong 10 năm là hơn 151 tỉ đồng), trong khi giá khởi điểm chỉ 3,04 tỉ đồng/năm.
Những màn bơm giá
Từ câu chuyện TP.Đà Lạt buộc phải đề nghị hủy kết quả đấu giá cho thuê nhà hàng Thủy Tạ, nhiều bạn đọc (BĐ) ngay lập tức nhắc đến "những màn bơm giá khi đấu mua biển số đẹp còn chưa ráo mực". Cụ thể, một số biển số đẹp khi đấu giá đã thành giá với những con số như mơ, vượt xa mức kỳ vọng, nhưng người trúng đấu giá sau đó bỏ tiền cọc, bỏ luôn cả kết quả thắng đấu giá. Xa hơn, BĐ cũng nhắc đến những màn bỏ cọc bất ngờ xảy ra khi TP.HCM đấu giá các lô đất có giá trị cao ở dự án Thủ Thiêm.
BĐ Minh Nghĩa nhận xét: "Dạo này đấu giá xảy ra vài chuyện khôi hài thật, từ đấu giá biển số đẹp cho tới công trình. Đúng là phải có cơ chế ràng buộc tài sản của những người đấu giá bơm giá rồi bỏ cọc. Chứ mỗi lần tổ chức đấu giá là mất thời gian và tiền bạc của bao người". BĐ Nghiệp Lê bức xúc đặt câu hỏi: "Liệu có phải là một chiêu để đánh bóng tên tuổi của mình không? Đặt ra đòi hỏi vô lý để không được đáp ứng thì có lý do xin rút?". Cùng suy nghĩ này, BĐ Nguyen Ngoc Lam nhận xét: "Nhiều khả năng việc đòi đổi tên nhà hàng chỉ là cái cớ để khỏi phải đóng tiền trúng đấu giá. Vì trước khi xuống tiền tham gia đấu giá phải rõ ràng hết mọi thứ rồi chứ".
Trên thực tế, khi thông tin về mức trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ cao gần gấp 5 lần giá khởi điểm được công bố, dư luận đã đặt nghi vấn về khả năng người trúng sẽ "bỏ cọc". Kết quả, nhiều BĐ "hy vọng người trúng đấu giá không bỏ cọc như nhiều vụ đấu giá nhà đất, biển số xe..." đã phải thất vọng.
Cần chế tài nghiêm khắc
Mặc dù luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã có những quy định rõ ràng về phần chứng minh năng lực tài chính của cá nhân, tổ chức tham gia các cuộc đấu giá, tuy nhiên nhiều BĐ vẫn băn khoăn về "tần suất bỏ cọc" thời gian qua.
BĐ Trường Lưu phân tích: "Đừng nghĩ người đấu giá bỏ cọc thì chính quyền địa phương được lợi khoản tiền cọc, rồi cứ tổ chức đấu giá lại là xong. Không hề đơn giản như vậy. Cần phải làm rõ mục đích của các vụ bơm giá, không loại trừ khả năng người bỏ cọc cố ý quấy rối khâu đấu giá. Cần chế tài nghiêm khắc, phạt tiền nặng". Tán thành, BĐ Thủy cũng lưu ý sự nghiêm túc của công tác đấu giá có thể bị ảnh hưởng không nhỏ nếu ai cũng có quyền "cảm thấy nghi ngờ về tương lai của kết quả trúng đấu giá". Từ câu chuyện nhà hàng Thủy Tạ, BĐ Khoa Lê gợi ý: "Áp dụng giống như luật Đấu thầu, nếu xác định việc bơm giá rồi bỏ cọc này là một hành vi vi phạm, có thể niêm yết tên tuổi cá nhân, tổ chức để cấm tham gia mọi hình thức đấu giá trên phạm vi cả nước". BĐ Tuấn An đặt vấn đề: "Nhiều người có vẻ cho rằng cơ quan chức năng dễ bị đùa giỡn quá. Nếu như vậy thì một phần cũng do khâu tổ chức đấu giá chưa nghiêm túc. Hoặc do quy định pháp luật còn chưa chặt chỗ này khiến có người lách luật".