vĐồng tin tức tài chính 365

Nghiệp vụ tệ hại của cảnh sát khiến thủ phạm gây án 70 lần

2023-03-13 03:31

Sáng 15/7/1992, Rachel Nickell cùng con trai 3 tuổi, Alex, dắt chó đi dạo trong công viên Wimbledon Common, phía Nam London. Lúc 10h30', một phụ nữ hoảng hốt thấy dưới gốc cây bạch dương có thi thể Rachel. Cậu con trai nhỏ đang khóc, tuyệt vọng lay mẹ dậy.

Cảnh sát lập tức cách ly Alex khỏi hiện trường, phong tỏa toàn bộ công viên rộng hơn 400 hecta và chặn những người khả nghi. Rachel bị đâm 49 nhát dao.

Không có nhân chứng nào, ngoài Alex, 3 tuổi, đã bị cấm khẩu sau cú sốc. Không có bằng chứng hay động cơ cho vụ tấn công. Cảnh sát thậm chí không thể chắc chắn về giới tính thủ phạm.

Cuộc điều tra bế tắc suốt nhiều tháng, đè nặng áp lực lên nhà chức trách.

Rachel Jane Nickell và con trai. Ảnh: BBC

Rachel Jane Nickell và con trai. Ảnh: BBC

Cảnh sát kêu gọi người dân báo thông tin về bất cứ ai thấy nghi ngờ là thủ phạm. Bốn trong các cuộc gọi đã cùng đề cập đến một người, là Colin Stagg.

Cảnh sát thẩm vấn 550 nghi phạm, 32 người đã bị tạm giữ và được thả, trừ Stagg. Anh ta phủ nhận liên quan vụ giết người, dù có mặt ở công viên sáng đó.

Trước việc một phụ nữ nói thấy anh ta từng khỏa thân tắm nắng nơi vắng vẻ, cảnh sát cho rằng đó là bằng chứng về lệch lạc tình dục và phù hợp với tính chất của thủ phạm giết Rachel.

Cảnh sát khám xét nhà của Stagg và phát hiện anh ta theo "tôn giáo lạ", liên quan các nghi lễ huyền bí. Điều này càng làm giới điều tra định kiến nặng nề với Stagg.

Dưới áp lực từ giới truyền thông và công chúng và cấp trên, cảnh sát biết rằng phải làm một điều gì đó quyết liệt. Dù tin chắc rằng Stagg là người cần tìm, cảnh sát thiếu bằng chứng xác thực, đành thả người nhưng ngầm vạch ra một chiến dịch "giăng lưới".

Mục tiêu của kế hoạch rất đơn giản khiến Colin Stagg thú nhận dính líu đến vụ giết người. Họ sử dụng một nữ cảnh sát chìm kết bạn với Stagg.

Sử dụng tên Lizzie James, nữ cảnh sát liên lạc với Stagg, kết bạn qua thư. Dưới hướng dẫn của cấp trên, Lizzie nói bóng gió về việc có sở thích tình dục cởi mở.

Stagg nhiệt tình hồi đáp song cũng xin lỗi nếu anh ta đã bước quá giới hạn và nói gì đó khiến cô khó chịu. Anh ta hỏi Lizzie có thể gặp mặt trực tiếp không. Cảnh sát cho rằng đây là kiến hay và sắp xếp cuộc hẹn trong công viên.

Lizzie tiếp tục "câu" Stagg bằng việc đánh trúng sở thích tâm linh huyền bí và kể những câu chuyện gợi tình. Stagg bị cô thu hút mạnh mẽ. Trong lần gặp sau, theo lệnh, Lizzie cố tình "gài" Stagg bằng cách thổ lộ cô thích nam giới bạo lực, bắt đầu gợi mở về vụ Rachel. Stagg thú thật, anh ta có mặt tại công viên, từng bị cảnh sát thẩm vấn 3 ngày, nhưng vô can.

Trong một cuộc trò chuyện được ghi âm, Lizzie nói với Stagg, "Giá như anh bạo dâm như kẻ giết cô gái ở công viên, tôi sẽ mê đắm anh chết được". Stagg đáp: "Tôi vô cùng xin lỗi, nhưng tôi không làm được đâu". Điều này khiến cảnh sát khá thất vọng.

Hai người tiếp tục thư từ, gặp gỡ thêm 5 tháng nhưng Stagg chưa bao giờ nói ra điều cảnh sát muốn nghe. Song anh ta đã viết cho Lizzie nghe về ước mơ tình dục thầm kín của mình, liên quan đến máu và dao. Cảnh sát sử dụng những bằng chứng này để buộc tội Stagg. 18/8/1993, anh ta bị bắt.

Trong phòng thẩm vấn, Stagg được giới thiệu với Lizzie và sốc khi biết cô là cảnh sát chìm. Anh ta nói chỉ cố tỏ ra "tay chơi" để hợp sở thích của Lizzie và được qua đêm với cô. Song anh ta vẫn bị buộc tội giết Rachel Nickell.

Phiên tòa xét xử bắt đầu vào tháng 9/1994. Phía công tố tỏ ra tự tin với các bằng chứng, trong khi đội bào chữa của Stagg cho rằng cáo buộc có nhiều sai sót và rõ ràng là điều tra gài bẫy.

Thẩm phán xem bằng chứng do bên công tố và cảnh sát đưa ra và giận dữ bác bỏ. Theo ông, chiến dịch "giăng bẫy" là hành vi lừa đảo tệ hại, không thể chấp nhận về pháp lý.

Trong hơn hai năm, cuộc điều tra đã tiêu tốn hơn 3 triệu bảng Anh và đã sụp đổ ngay từ ngày xét xử đầu tiên.

Stagg được tuyên trắng án và trả tự do. Nhưng bên ngoài tòa án, anh ta bị đám đông vây quanh, tất cả đều hô vang "Có tội! Tội lỗi! Treo cổ hắn!".

Collin Stagg bị bao vây bởi truyền thông sau khi được trắng án. Ảnh: Hello Magazine

Collin Stagg bị bao vây bởi truyền thông sau khi được trắng án. Ảnh: Hello Magazine

Nhà của Stagg thường xuyên bị phá hoại và bao phủ bởi những hình vẽ bậy tục tĩu gán cho anh ta là kẻ sát nhân. Anh thất nghiệp, hầu như không thể đi đâu vì khuôn mặt đã xuất hiện trên các mặt báo đến mức đi đến đâu cũng được nhận ra. Anh ta bị tấn công trên đường phố, nhổ nước bọt và hành hung.

Tình trạng của Lizzie James cũng không khá hơn. Cô nghỉ hưu sớm và tuyên bố bị suy sụp tinh thần do căng thẳng. Cô kiện nhà chức trách về những thiệt hại tinh thần do cuộc "gài bẫy" Stagg gây ra.

Năm 2001, Lizzie được bồi thường 125.000 bảng Anh. Nhà chức trách tiếp tục bị chỉ trích gay gắt vì số tiền này cao gấp 6 lần số gia đình nạn nhân nhận từ Cục Bồi thường Hình sự.

Cái chết oan nghiệt của Rachel dần trở thành vụ án không thủ phạm. Nhưng dưới áp lực công chúng, năm 2002, vụ án đã được mở lại. Hơn 10 năm kể từ vụ giết người, xét nghiệm ADN đã được cải thiện rất nhiều và các nhà điều tra mới bắt đầu xem xét bằng chứng.

Trong 18 tháng sau đó, pháp y đã kiểm tra và thử nghiệm quần áo của Rachel, và vào tháng 7/2003, họ đã tìm thấy ADN của nam giới trên quần áo nạn nhân. Nhưng mẫu này không thuộc về con trai hay chồng cô và cũng không phải của Colin Stagg.

Bệnh viện Broadmoor ở Berkshire là bệnh viện tâm thần có độ an ninh cao nổi tiếng. Bệnh nhân là những tội phạm kẻ giết người khét tiếng nhất nước. Tháng 7/2006, một nhóm cảnh sát đến đây để gặp một "bạn cũ", Robert Napper, 40 tuổi.

Cả tuổi thơ Napper đã chứng kiến bố bạo hành mẹ. Napper hung hăng và bạo lực, 11 tuổi được xác định mắc chứng "tâm thần phân liệt hoang tưởng". Bỏ học năm 16 tuổi, Napper làm thuê việc tay chân, tính khí ngày càng hung hăng thất thường và bị cha mẹ đuổi khỏi nhà.

Từ năm 1989 đến khi bị bắt, năm 1993, anh ta gây tổng hơn 70 vụ hiếp dâm và ít nhất 3 vụ giết người quanh London. Song do sự lơ là và thiếu năng lực của cảnh sát, Napper đều thoát thân.

Trong hầu hết các vụ án, Napper thậm chí được liệt vào danh sách tình nghi, song cảnh sát không buồn thẩm vấn. Có lần, cảnh sát gửi giấy yêu cầu đến trụ sở lấy mẫu máu để đối chiếu ADN thủ phạm. Napper không đến, cảnh sát cũng không truy cứu.

Robert Napper (trái) khi bị bắt, năm 1993. Ảnh: The Sun

Robert Napper (trái) khi bị bắt, năm 1993. Ảnh: The Sun

Trong vụ án của Rachel, ít nhất 3 người đã gọi báo cảnh sát về Napper. Một lần nữa, cảnh sát lại gửi cho anh ta một giấy triệu tập đến đồn để lấy mẫu ADN đối chiếu. Napper không đến, và cảnh sát lại bỏ qua.

Tháng 2/1993, tức 7 tháng sau cái chết của Rachel, vài cậu bé chơi trong công viên Wimbledon Common phát hiện một hộp chôn dưới đất, bên trong là khẩu súng. Dấu vân tay trên khẩu súng được thu thập, nhưng phải năm 1995 mới được xác định là của Napper, dù dấu vân tay của anh ta luôn ở trong cơ sở dữ liệu tội phạm.

Tháng 8 cùng năm, người dân tiếp tục tìm thấy con dao, chôn trong chiếc hộp khác trong công viên. Con dao sau này được xác định là hung khí gây án, cũng có vân tay của Napper. Nhưng cảnh sát thậm chí không xác định vân tay nữa, vì khi đó, họ đã bắt được Colin Stagg và đang hồ hởi chuẩn bị cho phiên xét xử người này.

Đến tháng 11/1993, khi Napper tiếp tục giết và phân xác một phụ nữ 27 tuổi, dấu vân tay của anh ta lần này xác định. Tại nhà Napper, nhà chức trách thấy một bản đồ London treo trên tường, đánh mực đỏ các khu vực từng xảy ra các vụ hiếp dâm, giết người. Anh ta chỉ nhận tội 2 vụ giết người và 4 vụ hiếp dâm, bị kết án chung thân và đưa vào Bệnh viện an ninh cao Broadmoor.

Năm 2003, khi vụ án của Rachel được mở lại, những nỗ lực thu thập ADN của thủ phạm trên cơ thể nạn nhân được thực hiện thêm một lần nữa. Cảnh sát lần này đã thận trọng hơn, và họ đã đến Broadmoor tìm Napper.

Tháng 12/2007, Napper bị buộc tội giết Rachel Nickell. Anh ta nhận tội, và nhận thêm một án tù chung thân, được gửi trở lại Broadmoor sống nốt quãng đời còn lại.

Phiên tòa cho thấy chiều sâu của căn bệnh tâm thần của anh ta. Napper sống trong thế giới giả tưởng, nơi anh ta tin rằng mình là triệu phú đã đoạt giải Nobel Hòa bình, mình là anh hùng chiến tranh.

Cảnh sát đã phải xin lỗi công khai tới Colin Stagg, và bồi thường 706.000 bảng Anh. Song Stagg không đổ lỗi cho cảnh sát, nói rằng biết khi đó phải chịu áp lực điều tra rất lớn.

Hải Thư (Theo Crime Magazine, DailyMail UK, The Guardian)

Xem thêm: lmth.9649754-nal-07-na-yag-mahp-uht-neihk-tas-hnac-auc-iah-et-uv-peihgn/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghiệp vụ tệ hại của cảnh sát khiến thủ phạm gây án 70 lần”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools