Ngày 12-3, Ngoại trưởng Iran - ông Hossein Amirabdollahian cho biết nước ông và Mỹ đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân. Phía Mỹ lập tức bác bỏ thông tin trên, theo hãng tin Reuters.
"Liên quan vấn đề trao đổi tù nhân giữa Iran và Mỹ, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận trong những ngày gần đây. và nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ với phía Mỹ, tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc trao đổi tù nhân trong thời gian ngắn" - ông Amirabdollahian nói.
Ngoại trưởng Iran - ông Hossein Amirabdollahian. Ảnh: TEHRAN TIMES |
"Về phần chúng tôi, mọi thứ đã sẵn sàng. Mỹ hiện đang thực hiện các bước phối hợp kỹ thuật cuối cùng” - ông nói thêm.
Tuy nhiên, Washington bác bỏ thông tin và gọi đây là một tuyên bố "sai sự thật" của Tehran.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Tuyên bố của các quan chức Iran rằng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận thả các công dân Mỹ bị Iran giam giữ một cách trái phép là sai sự thật”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price nói với đài CNN: “Tuyên bố từ các quan chức Iran rằng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân là một lời nói dối đặc biệt tàn nhẫn khác và chỉ làm tăng thêm đau khổ cho gia đình họ”.
Hiện ba công dân Mỹ đang bị giam giữ ở Iran, có tên Siamak Namazi, Emad Shargi và Morad Tahbaz. Mỹ khẳng định cả 3 công dân này đều bị Iran giam giữ một cách sai trái.
Iran đã bị các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc là bắt giữ các công dân nước ngoài để đổi lại sự nhượng bộ từ các quốc gia khác. Iran đã bác bỏ cáo buộc.
Nguồn tin của Reuters tiết lộ rằng Qatar và Thụy Sĩ đã tham gia các cuộc đàm phán trao đổi tù nhân. Các nguồn tin Iran nói với Reuters rằng hai quốc gia nói trên đã tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Tehran và Washington.
Theo một nguồn tin của Reuters hiểu về các cuộc đàm phán, quá trình trao đổi tù nhân đang "ở gần hơn bao giờ hết". Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn còn lại có liên quan 7 tỉ USD trong quỹ dầu mỏ của Iran bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của Mỹ ở Hàn Quốc.
Năm 2018, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã từ bỏ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc, đồng thời áp đặt lại các biện pháp trừng phạt để làm tê liệt nền kinh tế của Iran.