Như Thanh Niên đã đề cập, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 10.3 yêu cầu tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư xây dựng trường học, cơ sở y tế tại các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư, khu công nghiệp và nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) tại trường học, đô thị.
Để kịp thời khắc phục tình trạng thiếu trường học, cơ sở y tế cũng như xuống cấp, thiếu hệ thống NVSCC, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị theo Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Về hệ thống NVSCC tại các trường học, khu vực công cộng đô thị, khu du lịch, công điện cũng đưa ra yêu cầu các cơ quan có chức năng khẩn trương khảo sát hiện trạng, lập kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm công năng, sử dụng thuận tiện, đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, hoàn thành chậm nhất trong quý 3; lập chỉ dẫn các NVSCC để người dân và du khách tiếp cận sử dụng.
Ý thức giữ vệ sinh chung
Câu chuyện NVSCC tại các đô thị lại một lần nữa thu hút sự quan tâm của bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên. Đặt vấn đề về "làm cách mạng NVSCC", BĐ Võ Trọng cho rằng: "Du khách quốc tế đến VN thì một trong những bất tiện mà họ phải đối mặt chính là hệ thống NVSCC còn nhiều hạn chế của chúng ta. Chuyện này nêu ra lâu rồi nhưng sao lại không làm được?".
Nên bắt buộc người sử dụng NVSCC phải trả phí như vậy sẽ tạo thói quen và nhà vệ sinh sẽ luôn sạch sẽ, được bảo trì thường xuyên, có thể phủ rộng khắp các đô thị đông người, phạt nặng người gây ô nhiễm nơi công cộng…
Thanh Nam
Muốn thơm tho sạch sẽ, thoải mái thì bỏ phí vài ngàn đồng, vừa hợp lý, vừa để ấm lòng người quét dọn và duy trì NVSCC.
Bảo Bảo Nguyễn
Đưa luôn quy định bắt buộc là cây xăng, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều phải có NVSCC và cho thu phí.
boyquan8
Trả lời câu hỏi trên, BĐ Quynh Ngo phân tích: "Đã từng có mô hình đặt NVSCC đẹp đẽ, hiện đại tại các công viên để phục vụ người dân, du khách. Nhưng thực tế thì câu chuyện duy tu, bảo dưỡng, giữ vệ sinh chung lại là một thách thức. Nhiều người không biết giữ cho sạch sẽ để những người sau sử dụng, nên dù có NVSCC thì nhanh bẩn quá, ai cũng ngại". Cũng từ thực trạng này, BĐ HanaNgo cho rằng: "Thu phí NVSCC là biện pháp giải quyết trước mắt, đồng thời giao về cấp phường quản lý thì mới ổn được".
BĐ Phan Thang góp ý: "Ý thức vệ sinh công cộng của nhiều người dân ta còn kém. Do đó tôi đề nghị phải giáo dục ngay từ trên ghế nhà trường và bản thân nhà trường phải luôn ý thức giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ thì mới tạo được thói quen tốt cho học sinh, những công dân tương lai của đất nước". BĐ Tuan Thanh đề nghị: "Cũng cần cả một sự thay đổi về ý thức giữ gìn vệ sinh chung".
Nâng chuẩn hạ tầng đô thị
Nhận xét về công điện của Thủ tướng, BĐ Minh Nghĩa đưa ra ý kiến: "Để Thủ tướng phải ban hành công điện yêu cầu tập trung kiểm tra, rà soát và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, bao gồm nội dung xây NVSCC tại trường học, đô thị… thì vấn đề này không còn dừng ở các thắc mắc dân sinh nữa rồi. Tôi nghĩ chính quyền các cấp cơ sở cần đưa vào áp dụng một bộ tiêu chí mới cho hạ tầng đô thị".
Tán thành, BĐ Thanhlongho1979 nhận xét: "Điều này lẽ ra phải làm từ lâu, cứ lo chuyện to tát mà quên đi nhu cầu thiết yếu của con người. Mà không chỉ NVSCC, còn phải có chỗ đậu xe nữa. Thực tế có nhiều chỗ có nhà vệ sinh thì không được đậu xe và ngược lại".
Đa số BĐ đều đồng ý với ý kiến của BĐ Ngọc Châu khi cho rằng "câu chuyện NVSCC đã không dừng ở nhu cầu dân sinh hay phát triển du lịch mà chính là yêu cầu nâng cấp tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng đô thị".