Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, nguyên giám đốc Bệnh viện K, thống kê về dịch tễ bệnh ung thư tại Việt Nam của GLOBOCA (dự án nghiên cứu ung thư quốc tế - IACR), trực thuộc WHO, báo cáo gần đây nhất cho thấy Việt Nam xếp thứ 91/185 số quốc gia có báo cáo về ung thư, tỉ suất mắc mới và xếp thứ 50/185 về tỉ suất tử vong trên 100.000 người.
Ở nữ giới có 5 loại ung thư thường gặp gồm: ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư nói chung).
Ung thư vú: Số ca mắc chiếm 25,8%, đây là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ cao mắc bệnh tăng theo tuổi.
Những người có tiền sử gia đình bị ung thư vú, trên 35 tuổi, kinh nguyệt sớm dưới 12 tuổi, mãn kinh muộn sau 50 tuổi, không có con, sinh con đầu lòng sau 30 tuổi, có bệnh lành tình ở vú, có khẩu phần ăn nhiều mỡ động vật... có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nếu ung thư vú được phát hiện sớm, tỉ lệ khỏi bệnh đạt tới 90%. Chị em hãy nên đều đặn tự khám vú mỗi tháng một lần. Phụ nữ trong độ tuổi từ 40-54 nên chụp X-quang sàng lọc hằng năm, trên 55 tuổi nên chụp hằng năm hoặc 2 năm/lần. Sau điều trị cần tái khám đều đặn theo chỉ định của bác sĩ.
Không để tăng trọng lượng thái quá, thể dục thể thao, sống lành mạnh tự nhiên, yêu đời là những yếu tố có thể phòng ngừa phát sinh ung thư vú.
Ung thư phổi: Số ca mắc chiếm 9,1%. Ung thư phổi ở nữ giới gia tăng một phần do phong trào hút thuốc ở nữ giới tăng, còn nguyên nhân chính là do bị phơi nhiễm với hóa chất và bụi hạt trong không khí. Để phòng ngừa hãy bỏ hút thuốc lá hoặc tránh xa khói thuốc lá từ những người khác.
Phát hiện sớm bệnh bằng cách thực hiện sàng lọc hằng năm ở người có nguy cơ cao bằng chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp.
Ung thư đại trực tràng (7.539 ca, chiếm 9%): Yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc loại ung thư này ở nữ là do thừa cân hoặc béo phì, lối sống lười vận động, thực đơn giàu thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, hút thuốc, sử dụng lượng lớn đồ uống có cồn, tuổi cao và tiền sử bản thân hoặc gia đình có ung thư hoặc polyp đại trực tràng.
Để phát hiện sớm, người dân nên sàng lọc định kỳ bắt đầu từ 45 - 75 tuổi bằng xét nghiệm phân, soi đại tràng...
Ung thư nội mạc tử cung: Đây là loại ung thư thường gặp nhất trong các khối u ác tính vùng tiểu khung ở phụ nữ, chiếm 90% ung thư ở thân tử cung.
Tỉ lệ mắc ở Việt Nam là 2,5/100.000 dân, tỉ lệ tử vong là 0,9/100.000 dân. Bệnh gặp phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh (75%), đa số trong khoảng 55-60 tuổi, tuy nhiên có khoảng 5% xuất hiện ở lứa tuổi dưới 40.
Các yếu tố nguy cơ được xác định: Tăng sản nội mạc tử cung không điển hình, béo phì, chế độ ăn nhiều mỡ động vật, tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, phụ nữ chưa sinh đẻ, vòng kinh không phóng noãn, mất cân bằng estrogen...
90% phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung ra dịch âm đạo, 80% ra máu âm đạo bất thường ngoài kỳ kinh, 15% ra máu âm đạo sau mãn kinh được chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung.
Ở giai đoạn muộn có các triệu chứng đau hoặc rối loạn chức năng các cơ quan do sự xâm lấn của khối u gây chèn ép vào các cơ quan lân cận.
Vì vậy, phụ nữ chưa mãn kinh dấu hiệu ra máu ngoài chu kỳ kinh lặp lại nhiều lần hoặc có biểu hiện đa kinh phải thăm khám tỉ mỉ, cần thiết phải nạo buồng tử cung chẩn đoán nghi ngờ.
Ung thư cổ tử cung: Là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ với tỉ lệ mắc mới tại miền Bắc là 9,5/100.000 dân. TP.HCM là 16,5 trường hợp/100.000 dân. Bệnh có thể phát triển qua nhiều năm, vì vậy bệnh phần lớn được thấy ở độ tuổi 40-70, nhưng cũng có thể thấy ở tuổi 20.
Đây là bệnh dễ phát hiện sớm nhất và tỉ lệ khỏi bệnh cao nhất. Tỉ lệ điều trị khỏi bệnh ở giai đoạn sớm là 90%, nhưng tỉ lệ chữa khỏi chung cho mọi giai đoạn ung thư cổ tử cung chỉ đạt 60%.
Vì vậy, nên xét nghiệm phiếu đồ âm đạo - xét nghiệm đơn giản 2 lần/năm để phát hiện sớm ung thư tử cung. Phòng ngừa bằng tiêm vắc xin HPV ở giai đoạn từ 9-25 tuổi để ngừa một số type hay gây bệnh.
"Người bệnh ung thư thường cảm thấy bị "sốc" khi được biết tin mắc bệnh ung thư và trong suốt quá trình điều trị. Những cảm xúc này khiến người bệnh mệt mỏi và suy sụp.
Đừng giấu bệnh, đừng chần chừ, hãy chia sẻ tâm tư của mình với người thân hoặc với những người đã chiến thắng bệnh ung thư. Hãy đương đầu với bệnh ung thư giống như việc ta phải đương đầu với các vấn đề khó khăn khác trong cuộc sống.
Đừng bao giờ bỏ cuộc kể cả khi bạn đã ở giai đoạn cuối vì điều trị sẽ giúp bạn nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống rất nhiều" - GS.TS Nguyễn Bá Đức, phó chủ tịch Hội Ung thư, khuyên.
Sau ca phẫu thuật hơn 8 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã cắt bỏ hết khối u, nạo hạch và tạo hình lưỡi cho bệnh nhân 56 tuổi bị ung thư lưỡi.
Xem thêm: mth.78182301131303202-ioig-un-o-pag-gnouht-uht-gnu-iaol-5-mos-neih-tahp-ed-ig-mal/nv.ertiout