Đây là số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KS) công bố ngày 13/3.
Chỉ số doanh số bán lẻ là kết quả khảo sát về doanh số của 2.700 doanh nghiệp buôn bán sản phẩm cá nhân hoặc tiêu dùng (tính bằng kim ngạch cố định) là hiệu số của doanh thu vãng lai và các yếu tố gây biến động giá tiêu dùng, trừ đi các biến số (như mùa màng, dịp lễ Tết, số ngày làm việc) cho thấy mức tiêu dùng thực tế của một nền kinh tế, không liên quan đến tỷ lệ lạm phát.
Theo phân tích của KS, chỉ số này từ tháng 8/2022 đến tháng 1/2023 giảm là do tiêu dùng trong nước từ sau mùa Thu 2022 giảm 5%. Hạng mục có lượng chi tiêu giảm mạnh nhất là các mặt hàng có giá thành tương đối thấp với thời gian sử dụng trên một năm như: quần áo, giày dép và túi xách. Chỉ số doanh số bán lẻ của hạng mục này giảm 6,5% từ 119,3 điểm xuống còn 111,5 điểm. Trong đó, mặt hàng có mức giảm rõ nhất là quần áo, với mức giảm 7,6% trong giai đoạn được trích dẫn ở trên.
Xu hướng mua sắm quần áo hằng ngày của người dân "xứ sở kim chi" thường phụ thuộc chủ yếu vào ảnh hưởng của thời tiết trong năm. Tuy nhiên, lãi suất và giá tiêu dùng tăng cao trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 đã trở thành yếu tố chủ yếu khiến tiêu dùng của người dân Hàn Quốc trong hạng mục này giảm mạnh. Cụ thể, giá quần áo và giày dép trong tháng 11/2022 ghi nhận mức tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tiếp tục mức tăng 5,8% vào tháng 2/2023. Điều này có thể hiểu là người tiêu dùng đang cố gắng không mua sắm thêm quần áo vì giá cả tăng cao.
Ngoài ra, chỉ số doanh số bán lẻ đồ ăn và thức uống cùng giai đoạn trên cũng giảm 9,6%, đặc biệt trong tháng 1/2023 chỉ ở mức 97,2 điểm. Điều này cũng cho thấy tiêu dùng trong lĩnh vực ăn uống giảm nhiều hơn cả quần áo và giày dép. Nếu lấy điểm tham chiếu từ năm 2020 thì thấy rõ ràng tiêu dùng cho ăn uống của người dân Hàn Quốc trong giai đoạn hiện nay còn ít hơn cả trong thời kỳ dịch COVID-19.
Chỉ số sản xuất ngành dịch vụ (như nhà hàng, khách sạn) trong tháng 1/2023 giảm gần 4%. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do người dân Hàn Quốc đã giảm toàn bộ chi phí sử dụng cho việc ăn uống chứ không phải chỉ vì việc nấu ăn tại nhà giảm. Trong khi đó, giá thành đồ ăn và thức uống không chứa cồn tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giá cả của lĩnh vực ăn uống ngoài tăng cao vào dịp cuối năm và đầu năm mới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!